Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

ÁM ẢNH LŨ

Lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long đã "thành mùa" tự khi nào, hỡi những trăm năm?

Như vòng quay nghiệt ngã, năm Rồng 2000 này lũ lụt cuồn cuộn đổ xuống vùng châu thổ, chừng như thiên nhiên muốn "mở mang" biển cả (!). Nước lên từng ngày, nước lên từng giờ từng phút. Nước tràn qua đê qua vườn, nước dìm những cánh đồng vừa mới ngậm sữa, mới vừa no hạt. Trẻ già trai gái phải lặn hụp mót từng mớ lúa non.

Nước ngập lênh láng những con đường. Nước lên lé đé hàng trăm ngàn mái nhà. Những con gà táo tác trên các lùm cây. Mặt đất đồng bằng đã thành sông thành biển. Những chiếc xe hai bánh, bốn bánh bất lực. Người đi bộ bất lực. Những chiếc xuồng bơi, xuồng máy lênh đênh mặt nước, cập nhà cập phố. Cư dân nhiều nơi di chuyển, tìm chỗ cao hơn một chút. Chỉ còn biết lo ăn lo ở và lo mạng sống. Người già, trẻ con sẩy chân khác nào rơi xuống biển. Đã có đến mấy mươi người chết đuối. Mà chết cũng chưa thể yên thân, có người không tìm được xác. Những chiếc quan tài phải tạm để trên giàn cây xốc tréo. Vậy mà nước cứ lên, cứ lên như một sự nhẫn tâm khủng khiếp. Gió mưa và sóng lớn hợp mưu. Sóng ầm ập trắng xóa những cánh đồng diệu vợi. Hàng trăm trường học còn ló chút cửa, chút mái như người sắp chết đuối cố sức ngoi lên. Các cháu phải cùng cha mẹ, anh chị ra sức giăng câu, bắt ốc, hái rau kiếm sống qua ngày. Mùa bông điên điển chưa kịp nở vàng để phụ thêm bữa ăn đắp đỗi.

"Một nắm khi đói"...Đồng bào trong nước và cả những tổ chức từ thiện nước ngoài đã mang đến tấm lòng ấm áp, cứu trợ cho từng gia đình trong cơn khốn khó. Với các đơn vị bộ đội, mệnh lệnh cao nhứt lúc này là phải hết lòng bảo vệ và cứu giúp nhân dân.

Thương biết bao với một Trung Thu hiu hắt cho trẻ em đồng bằng, nhứt là trẻ em ở vùng lũ nặng. Không mấy nơi trong đồng sâu còn được ánh điện. Đèn dầu gió tạt và ánh trăng khi mờ khi tỏ như gương mặt chị Hằng rưng rưng nhìn đàn em yêu quý của mình. Nói chi đến chiếc lồng đèn xanh đỏ, những trò chơi và chiếc bánh thơm ngon.

Lũ và lụt. Cái chu kỳ ấy là bao nhiêu năm? Chừng như càng ngày nó càng siết nhặt lại. Người ta nói đây là năm đỉnh lũ cao nhứt trong vòng 40 năm qua. Liệu rồi năm sau, năm sau nữa, đầu thế kỷ 21, đỉnh lũ có thấp hơn không?

Tuy vậy, không ít người bảo lũ vẫn có lợi và lợi rất nhiều. Ở chỗ, nó bồi đắp cho đồng ruộng một lượng phù sa đáng kể, làm trẻ lại đất đai. Nó còn khuyến cáo con người, bằng cách tẩy rửa nhiều loại thuốc trừ sâu nhiễm thâm lòng đất. Nhưng thử hỏi, cái lợi ấy thấm vào đâu so với những gì đã tổn thất, đó là chưa nói đến tánh mạng con người. Cứ tạm gộp lại, mỗi năm lũ ập về, đồng bằng này phải chịu mất hoang ngàn ngàn tỉ đồng. Bao nhiêu nhà cửa, cơ sở hạ tầng hư đổ, bao nhiêu trường học đóng cửa. Qua lũ rồi, ai ai cũng gấp rút lo toan ổn định cuộc sống cho cính mình và bà con làng xóm. Lại ngàn ngàn tỉ đồng đổ ra. Rồi nỗi ám ảnh, liệu mùa sau lũ đến sẽ thế nào?

Ai cũng biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long, không cách nào khác là phải bám lấy cánh đồng của mình để từng bước dựng xây và phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhưng mỗi năm lại phải đương đầu với lũ lụt thế này thì giải đề cho bài toán phát triển nhanh,chắc chắn sẽ hấp dẫn biết bao trí tuệ của những con người tâm huyết.
22.9.2000

Không có nhận xét nào: