Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2008

VẼ CHIM




.Tặng họa sĩ Phạm Hữu Trí.


Chút báu vật cuối cùng của ông là tiếng chim bìm bịp
Mang về từ cánh rừng xa
Hơn ba mươi năm hòa bình như mới vừa đâu đó
Tiếng chim âm vang theo gió ngậm ngùi

Chiều xưa ấy mưa bay lất phất
Chim bìm bịp nhắc mình những lúc ngủ quên
Dòng sông phập phồng đưa tiễn bạn bè ra trận
Xuồng ba lá em bơi còn ướt mái dầm

Khắc khoải chờ ai ngàn đêm thao thức thức
Ông với chim thành bạn tự bao giờ
Chợt giữa phố tiếng chim như tiếng khóc
Nghe bàng hoàng sâu thẳm giấc mơ

Vậy mà giữa khuya này tiếng bìm bịp bỗng dưng vắng bặt
Linh cảm bâng khuâng trống trải suốt đêm dài
Kẻ trộm như loài rắn độc
Lẽn bóp cổ chim, nó giết tiếng chim rồi

Thế là chút báu vật ở rừng của ông đã thành ký ức
Rồi những dòng sông rồi những cánh đồng
Lãng đãng bóng chiều ngập ngừng con nước
Phía cuối rừng là gặp biển mênh mông

Thương bìm bịp ông vẽ bằng tâm tưởng
Sắc vàng sắc đen thô mộc chập chờn
Tiếng chim vẫn âm vang gần lắm
Gió nao nao thảng thốt qua hồn...

8.12.2008

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

TRÁI TIM ƠI!

(Kính tặng Hội bảo trợ bịnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang)

Ngày rất dài thời gian chừng lạnh lắm
Ai bước một mình trong tiếng mưa đêm
Chấp chới phận người hắt hiu ngọn gió
Cuộc đời ơi, đừng rót thêm buồn

Chiếc bóng nhỏ xa xăm hoài vọng
Em tìm em hoang dã lạc loài
Tiếng gọi mẹ khàn hơi cổ tích
Hạt bụi lang thang còn mất hình hài

Ai chọn niềm vui ai chọn nỗi buồn
Định mệnh nào bạc đầu trên sóng
Mái ấm, chén cơm... một đời trông ngóng
Kiếp nhân sinh mấy nẻo doạn trường

Vết thương chạm vào nơi sâu nhứt
Trái tim ơi! Người đến bên người
Vị muối mặn mồ hôi nước mắt
Nghe quanh đây hạnh phúc ngậm ngùi

Ngày từng ngày thời gian mang phép lạ
Đất nước nhọc nhằn hoa cỏ đầm sương
Chợt nghe tiếng vườn xưa chim hót
Gió qua đồng bát ngát mùi hương...

9.10.2008

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

CON ĐƯỜNG

Khúc xạ nắng khúc xạ lòng năm tháng bâng khuâng
ký ức chiến tranh như thuốc độc ngấm sâu lòng đất
di chứng vô chừng
khập khiểng con đường quen lạ

Đã đến lúc không thể nào khác được
những điều bình thường không hề khoan nhượng
hiển nhiên như đất như hoa như cỏ

bằng sự thành thạo lối đi của ngày hôm qua
nghe ầm ào phía biển
thời tiết thất thường
vận động viên điền kinh say nồng lơ đãng
bi kịch bắt đầu từ lỗi nhịp trái tim

he hé cửa nhìn, ngơ ngác
ngại bụi, sợ kẻ lạ lẽn vào biến mình thành quỷ
hoang mạc qua hồn ốc đảo lẻ loi

Thế là cái gì thuộc về con người làm sao cưỡng được
dìu dịu trời xanh
dưới cánh bay dập dìu mây trắng
rừng vặn mình lá úa lao xao
lung linh biết mấy nỗi niềm
hồng hạc lượn phập phồng châu thổ

bạn bè khắp nẻo hành tinh
trải thảm gọi mời lòng tốt
mỉm cười phép lạ cầm tay

sông Đà, Trị An cuộn dòng trắng xóa
đường điện Trường Sơn xương sống nước non này
chàng trai quê xưa chợt tỉnh
rụt rè bước ra cánh đồng lầy lội
chọn giống cho vườn cây ăn trái
gặp tài năng lẩn khuất giữa vô cùng

triệu bàn chân một nắng hai sương
hạt gạo xao lòng mặn đắng
trẻ em đến trường đò dọc đò ngang
câu vọng cổ đêm dài thao thức

Nhọc nhằn dặm đường phía trước
ai trải thảm mời ai trong cuộc tử sinh này
ai trải thảm mời ai mồ hôi nước mắt
ký ức chiến tranh theo sóng chập chờn
con đường dằng dặc nghĩa trang
lô nhô những ngôi mộ vô danh cỏ lau phơ phất
đàn bướm vờn quanh ai biết điều gì...
20.9.2008

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

CHẦM CHẬM ÔNG ĐI

Kính viếng vong linh nhà văn Sơn Nam.

Chầm chậm
ông đi
từ ngày ấu thơ xa thẳm
bát ngát hương rừng Cà Mau cổ tích
thơm đến tận bây giờ

Ông đi
xuồng ba lá lắc lư
qua hết ngọn nguồn sông rạch
chim vịt kêu chiều cầu tre lắt lẻo
những mùa len trâu hiu hắt mưa dầm
cánh đồng khẩn hoang mù mù sương khói
cây lúa mặn phèn vô vọng
đợi nước bên Cù lao Dung
nghe sông Hậu rì rầm những đêm không trăng
lênh đênh Hòn Nghệ, Hòn Tre, Củ Tron, Phú Quốc
con người con cá con tôm
lạnh lùng dao thớt

Ông đi ông nghe ông thấy
đau đất đau đời
Nam Bộ như cái lẩu mắm như con cá lóc nướng trui như trái sầu riêng
bi kịch Phan Thanh Giản trăm năm dưới lớp dày nghi án

Theo lối lòng dân
ông học cách của người U Minh, Đồng Tháp
tìm lai lịch cho đất, tìm tiếng thơm tên người
ông già Nam Bộ

Bây giờ ông bận ra đi
không kịp giã từ bè bạn
vẫn những con đường lao xao bóng dừa đong đưa hoa trái
phù sa nước lớn nước ròng
bóng xa chầm chậm...

l4.8.2008

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2008

TÔI VÀ EM

Với em, tôi có thể nói hết mọi chuyện trên đời và tất tật bao điều thầm kín. Hai đứa lang thang ngõ tắt đường ngang dưới lộn xộn những hàng cây bất tận, nào ai đếm thời gian để tiếc ngắn dài. Em tôi, bởi tôi nhận ra bằng giác quan không bình thường của bàn tay mềm mại và ánh mắt long lanh buồn vui lẩn lộn. Thế là từ đó tôi sống có khác hơn, khác hơn như cắm một cành phong lan mong manh vào lọ thủy tinh trong suốt. Chợt nhận ra sự có nhau như là không khí, như là...

Nhưng em có biết đâu, còn điều cực kỳ này, khác chi loại quặng ở tầng sâu mà em thì không cách gì thăm dò tới được. Ấy là bản lĩnh sống - bản lĩnh để mình tồn tại. Tôi nói với em biết bấy nhiêu lần, mong chắc thế nào rồi em cũng lấy làm chiêm nghiệm. Bao người trắng tay vì cái tính thật thà như khoai như lúa, như trẻ con lòng dạ thẳng ngay. Còn tôi, tôi có cách tuyệt diệu của riêng mình. Phải biết vùi đầu làm con lươn con chạch trước cuộc đời hỗn loạn nhiễu nhương, phải tập đóng vai người câm người điếc trước đúng sai thiện ác khôn lường. Ai lại đâm đầu vào cái nghĩa cái tình năm xửa năm xưa mà chẳng tìm ra chút gì danh lợi.Bí quyết của sự bình yên là ấm ớ tảng lờ. tảng lờ hết thảy, bận làm gì trằn trọc thâu đêm. Chẳng có điều gì e dè sợ sệt. Bỡ ngỡ rồi sẽ quen. Quen rồi tỉnh bơ như kẻ qua đường biệt vô tăm tích. Bởi nghệ-thuật-sống lắt léo vô cùng mà khối người long bong như kẻ mộng du mơ mơ tỉnh tỉnh. Siêu khôn là tập tính lập lờ hư thực, vô-tư-quên để lương tâm không biết cách rầy rà. Thế là trên đời này tôi chỉ còn mỗi mình em. Em là bà hoàng sống giữa tiện nghi chập chùng tiền bạc, đố ai lần truy nguồn gốc đâu đâu.

Nhưng rồi, bỗng một ngày em biến mất. Biến mất như sự vô lý đến là kỳ lạ. Thành kẻ mất hồn, đôi chân tôi hụt hẩng. Em chẳng để lại một lời phàn nàn trách móc. Cũng chẳng mang theo một đồng và một chút tiện nghi. Em chỉ trọn vẹn mang đi cái trong trẻo ban đầu mà tôi nhận biết. Như con thú bị thương quằn quại, tôi thét gào không sao thành tiếng. Như kẻ lạc rừng giữa mịt mùng mưa gió. Mất hết rồi sao? Em là người thứ bao nhiêu lìa bến đời tôi? Còn lại một mình như vạt đất bạc màu không mầm cây mọc nổi. Lẽ nào em là người cuối cùng lặng lẽ ra đi không cần một lời thanh minh khách sáo.

Tôi bắt đầu biết sợ.
Và lục lọi lòng mình để học lại bài học gieo trồng...

Cà Mau, 10.2.1988

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

LỜI CUỐI CHO XE LÔI

Gần đây, vào những buổi chạng vạng, thỉnh thoảng tôi còn gặp một vài chiếc xe lôi chở khách chạy trên những con đường nhỏ của thành phố Cần Thơ. Họ chạy trong sự căng thẳng và hồi hộp vô cùng. Thương quá. Vì vô kế mưu sinh mà người ta phải liều, dẫu biết rằng lịnh cấm đã có hiệu lực từ lâu. Thật tình, cho đến bây giờ tôi vẫn thấy chiếc xe lôi ở thành phố Cần Thơ và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn là những chiếc "taxi mini" rất hấp dẫn. Đẹp cả về hình dáng và sự tiện dụng của nó. Phải cả trăm năm mới tạo được hình dáng hoàn chỉnh một chiếc xe như vậy. Bây giờ để xóa sổ nó, chỉ cần một cái lịnh vô cảm thì coi như cuộc đời nó đã bị kết liễu. Nghe đâu có mấy đoàn khách nước ngoài định về Cần Thơ, nhưng khi biết ở đó không còn xe lôi thì họ liền hủy chuyến đi.
Hằng ngày xem báo đài thấy ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Nẵng, Huế, trong các dịch vụ du lịch, người ta vẫn sử dụng xích lô một cách bình thường, không nghe ai đá động gì tới nó. Mừng lắm. Như vậy là chiếc xích lô đâu có bị cấm. Mà chiếc xích lô và xe lôi nào có khác gì về độ an toàn cũng như kiểu dáng, chưa nói là hơn hẳn xe lôi Trung Quốc. Tôi thầm nghĩ, không biết chiếc xe lôi xứ mình có bị "chết oan" trong chiến dịch cấm xe tự chế không? Là người day dứt trước vấn nạn này, (như một lời cầu khẩn) tôi tha thiết mong các nhà chức trách, hãy vì cuộc sống của hàng ngàn hàng vạn người dân nghèo, chịu khó xem xét lại một lần nữa, coi có đúng là chiếc xe lôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có đáng phải "chết" tức tửi như vậy không?
27.6.2008

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

"VIỆC GÌ CÓ HẠI CHO DÂN..."

Vậy là "bi kịch" cấm xe lôi, xe ba gác, xe công nông...gọi chung là xe tự chế vẫn chưa có hồi kết. Nó cứ nhùng nhằng nhũng nhẵng, không ai dám chắc đến khi nào mới được chấm dứt như người dân nghèo mong đợi. Tại sao vậy? Chẳng ai có trách nhiệm trả lời một cách rành rọt, chí lý chí tình.
Những năm gần đây đời sống người dân có khá lên đôi chút, nhưng không vì thế mà khó khăn giảm đi đáng kể. Với người lao động, việc thiếu trước hụt sau vẫn còn là chuyện thường nhật. Phải cố bươn chải để có được miếng cơm hàng ngày và chút tiền cho con đi học. Vậy mà đùng một cái, lệnh cấm các loại xe này ban ra với đủ lý do "gán tội" cho nó. Giờ đây, sau hơn 3 tháng thực thi, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, không biết phải xoay xở cách nào. Bao nhiêu lời hứa hẹn trợ cấp chuyển nghề, giải quyết việc làm ở các địa phương vẫn như chuyện "nghe qua rồi bỏ". Tổ chức này đổ cho tổ chức kia, cơ quan này đùn đẩy cho cơ quan nọ. Rốt cuộc người lao động "lãnh đủ".
Chúng ta đang vận động toàn Đảng toàn dân ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chắc chắn nhiều người rất thấm thía câu nói của Bác:"Việc gì có hại cho dân phải kiên quyết tránh; việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm cho kỳ được". Nếu so sánh câu nói đó với việc cấm xe lôi, xe ba gác, xe công nông, xe tự chế một cách đồng loạt, làm đảo điên đời sống của hàng triệu người lao động thì liệu được lợi cho ai? Có đúng là các loại xe nói trên thiếu an toàn và làm xấu mĩ quan thành phố không? Sự đánh giá ấy xuất phát từ đâu, nó dễ dãi đến vậy sao? Không ít ngưới đã từng đi nhiều nước trên thế giới, dầu là châu Á, châu Âu, hay châu Úc, châu Mỹ, nào phải những nước có nền kinh tế phát triển cao ấy họ đã dẹp hết các loại xe thô sơ tự chế để dùng toàn phương tiện giao thông hiện đại. Huống gì nước ta, với các loại xe ấy vẫn còn đắc dụng cho việc chở người và vận chuyển hàng hóa hàng ngày. Kể từ khi Nghị Quyết 32 của Chánh phủ có hiệu lực đến nay, tưởng đã khá đủ thực tế để những người, những cơ quan có trách nhiệm kiểm chứng một chủ trương có hợp lòng dân không?
Gần đây, nhiều người chua chát nói đó là "hậu"...cấm xe lôi, xe ba gác. Cực chẳng đã người ta phải quay lại tận dụng xe trâu, xe bò, xe thồ để gồng gánh lúa từ ngoài đồng về, chở heo gà vịt rau cá ra chợ. Nhếch nhác và chậm chạp không sao chịu nổi. Còn tìm loại xe thay thế thì chuyện như đùa. Chứng tỏ, những tổ chức ra lệnh cấm không chịu trách nhiệm nghiêm túc, để có quá trình chuẩn bị thỏa đáng cho người dân. Rồi như chuyện lạ, giữa lúc lệnh cấm còn "tranh tối tranh sáng" thì lập tức xe lôi của Trung Quốc đã lù lù có mặt đó đây. Hỏi ai cho phép nhập thì câu trả lời thật lập vập. Thế rồi nó cũng lần lượt được cấp phép lưu hành trót lọt. Mà nào có phải xe lôi Trung Quốc đẹp đẽ và an toàn cho lắm, nếu không nói còn xấu hơn và chất lượng an toàn không hơn gì xe lôi, xe ba gác của ta. Nhiều người nói vui "Tự mình đá thủng lưới nhà một cách ngoạn mục"(!). Còn các loại xe tải nhỏ trong nước thì có chiếc nào dưới trăm triệu đâu, hỏi làm sao người chạy xe lôi, xe ba gác mua nổi? Vả lại, nếu có mua được thì nó cũng kềnh càng rất khó thay thế cho xe lôi, xe ba gác vốn quen với bà con mình, từ lâu thích hợp đường ngang ngõ tắt và những con hẻm ngoằn ngoèo nhỏ hẹp. Thực trạng này không chỉ người chạy xe kêu trời mà cả những chủ bán vật liệu xây dựng cũng chẳng biết nói vào đâu cho thấu, dẫn tới việc buôn bán ế ẩm. Chẳng lẽ mua một bao xi măng, vài mươi viên gạch lại mướn chiếc xe tải cả tấn để chở? Bài toán thất thu do trở ngại, ách tắc trong vận chuyển hàng hóa chắc chắn không thể tính bằng triệu được.
"Việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm cho kỳ được". Qua thực tế, đủ thấy lệnh cấm trên là chưa phù hợp. Lẽ ra, trước hết những cơ quan chịu trách nhiệm phải kịp thời giải tỏa và xin lỗi người dân. Đó cũng là việc bình thường như trong sinh hoạt Đảng,điều hành chánh quyền và tiếp xúc với dân. Không vì thế mà quá nặng nề. Xin lỗi dân khi mà người cầm quyền làm chưa đúng, để họ càng thêm tin yêu người lãnh đạo của mình, bởi đã biết nhận ra những gì làm phương hại đến đời sống người dân. Đó chính là thước đo học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách cụ thể va thuyết phục nhứt.
Với tư cách công dân, tôi cứ lấy làm tiếc, tại sao chúng ta lại để "sự cố" đáng buồn này xảy ra? Gọi sự cố, bởi lẽ việc cấm đoán này không đáng có trong lúc đất nước còn quá nghèo khó, Chánh phủ phải để tâm lo toan bao nhiêu việc lớn lao khác. Rồi lại không may, cơn bão giá, lạm phát ập đến, khiến người lao động khốn đốn trăm bề...Còn với các loại xe thô sơ, theo quy luật phát triền, tự nó sẽ dần dần thay thế mà không làm xáo trộn đến đời sống của nhiều người lao động.
Cần Thơ, th1ng 4 năm 2008

ĐẤT

Người xưa từng nói "Sống với đất thác về với đất", nghe sao ngậm ngùi như điều ứng báo tâm linh. Đất là niềm mơ ước và hạnh phúc của biết bao thế hệ con người. Nhưng đất cũng là nỗi bất hạnh, đớn đau và nhục nhã tột cùng. Cái ranh giới mong manh ấy như nỗi oan khiên truyền kiếp, không chịu buông tha con người. Thời nào cũng vậy, để làm chủ được hoàn toàn mảnh đất của mình, dù đó là vài ba hecta, hay chỉ một rẻo nhỏ năm mười thước vuông thôi, cũng không dễ chút nào. Người ta còn sánh đất với máu - bởi con người đã từng giành đất và giữ đất bằng chính mạng sống của mình.
Hôm giữa tháng 3 năm 2008, trong cuộc giao lưu Hội Sách khá hoành tráng tại thành phố Hồ Chí Minh, bất ngờ có độc giả hỏi: Giữa đạo diễn phim tài liệu, với danh hiệu nhà báo, nhà văn, anh thích mình được gọi là gì? Không chút ngần ngại, Võ Đắc Danh bảo: Anh nông dân! Thọat đầu, tôi nghĩ Võ Đắc Danh có phần..."lên gân". Nhưng thật ra, anh chẳng ngẫu hứng chút nào. Anh đã biết chọn đúng cái mình giàu có nhứt, am tường nhứt. Vậy là quá đủ và quá hạnh phúc rồi. Biết đâu, đó lại là định mệnh cực nhọc của một kiếp người sinh ra từ đất. Bởi tuổi thơ Võ Đắc Danh là những tháng năm làm bạn với rạ rơm, với cánh đồng sụt sùi mưa nắng, với những ngày loi ngoi trên lưng trâu đến tối mò tối mịt. Chính vì thế mà không khó gì để anh nghe được nỗi niềm của đất. Suy rộng ra, hàng ngàn năm nay, nhân lọai với biết bao cuộc chinh phạt, chém giết lẫn nhau, rốt lại cũng chỉ vì ma lực của lòng tham vô hạn với đất mà thôi. Giá như có phép bỗng biến đất mất đi thì liệu con người sẽ lấy lý do gì để tồn tại? Nhưng để có đất, được đất mà đầm đìa nước mắt và máu thì thật đáng nguyền rủa. Vậy mà cái bi kịch ấy vẫn không ngừng diễn ra ngày càng nghiệt ngã với bộ mặt diêm dúa của thời "văn minh hiện đại".
CANH BẠC,tập bút ký mới nhứt của Võ Đắc Danh là một tiếp tục về nỗi buồn vui bất tận của "canh bạc...đất". Ba tập trước là: NỖI NIỀM U MINH HẠ, ĐỒNG CỎ CHÁT và THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN. Đời một người cầm viết, được sống chết với điều luôn ám ảnh mình như Võ Đắc Danh, ấy cũng chính là cơ may để anh nhận được thứ ánh sáng nguyên sơ và sự khơi nguồn trong trẻo của lòng tin, mở đường cho những trang viết nhiệt tâm đến thẳng tâm hồn người đọc. Dù là trực tiếp mô tả thân phận của những người nông dân bị mất đất rừng, đất ruộng ở Cà Mau, Long An, Đồng Nai, hay viết về mối tình vu vơ thuở ấu thơ của chính mình trên cánh đồng còn thơm mùi rạ mới, hoặc viết về những đứa trẻ mồ côi trên đỉnh núi Cấm của dải Thất Sơn...cũng đều thấy rõ mồn một những hình ảnh sống động được đặt trên cái nền đất đai mênh mông thân thuộc nhưng luôn tiềm ẩn biết bao điều bất an tội nghiệp. Vì vậy mà người viết mấy dòng này muốn đặt tên cho bài viết ngắn về tập bút ký này của Võ Đắc Danh là ĐẤT.
CANH BẠC, cũng như hàng trăm bút ký khác của tác giả không phải là thứ văn chương hấp dẫn bởi sự kết cấu ly kỳ. Như một nghệ sĩ tạo hình, Võ Đắc Danh cố nghiền ngẫm chất liệu đời sống rồi đắm hồn tạc nên những chùm tượng thô ráp tươi nguyên. Anh tin, với chất "mộc" của nghệ thuật, tự nó sẽ dễ gần gũi với con người hơn. Có lẽ vì thế mà tác giả luôn kiềm chế, không cho phép mình "hoa mỹ" trước nỗi đau của đồng lọai. Võ Đắc Danh đã dùng bàn phím máy tính của mình một cách có hiệu quả,ghi chép trung thực nhiều mặt bức tranh hỗn tạp của đời sống hôm nay. Đố kỵ với tác giả là sự tô hồng hoặc bóp méo những điều bức xúc. Anh không muốn thêu dệt, trộn lẩn thực hư, dễ dẫn tới những ngộ nhận huyễn hoặc, hậu quả khôn luờng. Đã nghe thấy đây đó không ít trường hợp, chỉ cần bịa một cái tên là lạ nào đó hoặc thêm thắt vài chi tiết lếu láo thì cả bài viết kể như bỏ đi và bóng dáng của tác giả cũng biến khỏi trong lòng bạn đọc. Cái giá chân tình trong quan hệ ở đời và tính chân thật trong bút ký, xem ra chẳng khác nhau là mấy. Không khéo, tự mình uốn cong ngòi viết và dối trá với những người dân quê chân chất đang từng ngày đối mặt với bao điều nghịch lý; bởi ở họ còn chút hy vọng gởi gắm vào văn chương, xem văn chương như người bạn thủy chung, chia sẻ.
Cần Thơ, tháng 3 năm 2008

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2008

NÓN ƠI!

Ngày xuân đi núi Cấm
Sắm chiếc nón trăm ngàn
Cho cái đầu nó ấm
Cho cái lòng nó an

Nào ngờ, rồi một bữa
Nón rớt trước sân nhà
Tiếng chạm vừa nghe "cạch"
Miểng nón đã văng xa

Giật mình, "bảo hiểm"...may mà
Nón ơi sao nón "lừa" ta nỗi này?
Thôi thì, thế cũng còn hay
Phong lan một nhánh, chờ ngày...nón ơi!
17.2.2008

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2008

NHỚ ĐỒNG

Nhớ lắm nồng nàn mùi rạ mới
con cá rô tung tăng đớp gié lúa tháng mười
đàn cò trắng đậu cành tre đưa đẩy
nương níu lục bình lặng lẽ sông trôi

mấy chặng về quê quanh co đò dọc
con rạch ngày xưa mẹ ra bến mong chờ
đêm nghe gió thì thầm sao trời nhấp nháy
vầng trăng nghiêng con nước tràn bờ

thời gian bâng khuâng qua cầu lắt lẽo
ai kiếm tìm ai trong ký ức năm nào
sen vẫn trắng và hồng như thưở ấy
em khuấy giầm tan giấc chiêm bao
*
Quen quá đỗi nồng nàn mùi rơm Tết
hột gạo trắng tinh thơm tận đáy lòng
lãng đãng khói giữ hồn mình năm tháng
đâu đó tiếng gà rựng buổi hừng đông...
24.1.2008

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008

NGẬM NGÙI


Ngẫu nhiên hay đã có một sự tính toán nào trước, khi thời điểm cuối cùng cho các loại xe ba gác, xe lôi, xe ba, bốn bánh, gọi chung là xe 'tự chế" phải chấm dứt lăn bánh, được ấn định đúng vào ngày 31 tháng 12 năm 2007. Năm hết, Tết đến. Đó là thời điểm tất bật với biết bao công việc sau một năm tần tảo và hối hả lo toan để lại bước vào ngưỡng cửa của 365 ngày sắp tới. Từ tết tây đến tết Mậu Tý, chỉ cách nhau trên dưới một tháng. Đây là dịp để người hành nghề bằng phương tiện thô sơ kiếm sống đỡ hơn những ngày thường. Tôi không dám nói "trời đánh còn tránh bữa ăn", nhưng không biết sao cứ liên tưởng tới cái điều không hay chút nào ấy lại như là một chuyện đã được sắp đặt (hay người ta quên bẵng cái thời khắc ngặt nghèo này?)
Hàng năm, rất nhiều nơi trên đất nước mình thường xuyên tổ chức, kêu gọi lòng hảo tâm, từ thiện của mọi người "một nắm khi đói bằng một gói khi no", chính là để cứu giúp cho những người nghèo khó, không kế sinh nhai và bị thiên tai bão lụt liên miên. Trong số đó, có không ít người phải đem cơ bắp cùng cái phương tiện "tự chế" của mình để đổi lấy miếng cơm từng bữa. Có mấy ai giàu có mà đi đạp xe ba gác, đi chạy xe lôi! Xóa đói giảm nghèo là lương tâm và nghĩa vụ của con người với con
người. Đây còn là chuyện làm phước rất thiêng liêng. Bao giờ dân mình mới hết nghèo khó? Chắc là còn lâu lắm. Nhưng dần dần đã thấy giảm đi khá nhiều, đó là nỗi mừng của toàn xã hội.
Để an toàn giao thông, chính là quý trọng sinh mạng của con người, cũng là mục đích của việc hạn chế và cấm các loại xe thô sơ nói trên. Điều muốn nói ở đây là lộ trình thực thi mệnh lệnh ấy, có vẻ như không có phương án kỹ càng, không ai là "chủ dự án" cụ thể. Với hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước đang hành nghề bằng phương tiện này, bỗng nhiên mất việc, bỗng nhiên thất nghiệp (nếu rơi đúng vào hoàn cảnh mỗi chúng ta),liệu họ phải xoay trở cách nào? Được biết, lệnh này đã có từ một vài năm nay, nhưng cũng chừng ấy thời gian, việc triển khai thật hờ hững. Với những nơi đã triển khai thì gần như không đưa ra được điều kiện vật chất nào đảm bảo, còn lý lẽ thì không sao thuyết phục được. Một mệnh lệnh hệ trọng như vậy, đụng mạnh vào đời sống của nhiều ngàn người mà chừng như các cơ quan quản lý, điều hành chỉ chờ cho đến ngày nó có hiệu lực để lớn tiếng "tịch thu, biến thanh phế liệu". Nghe mà không thể cầm lòng. Nếu quả thật xe ba gác, xe lôi sẽ biến mất trong một vài ngày nữa (như trò ảo thuật) thì chắc chắn sinh hoạt của người dân sẽ chới với biết chừng nào. Rồi bằng phương tiện gì để lấp đầy chỗ trống rộng lớn đó trong ngày một ngày hai? Đã thật sự đến lúc phải "dẹp" nó khẩn cấp như vậy chưa? Tại sao từ trước tới nay ngành chức năng không đặt ra việc chấn chỉnh kỹ thuật một cách nghiêm ngặt và thay thế dần bằng loại xe sản xuất trong nước, để bây giờ hấp tấp, phải nặng dùng mệnh lệnh với người dân? Tiếc thật.
Ngày cuối 2007.

PHẢN BIỆN

Không biết chuyện này nên xem là nhỏ hay lớn. Bởi vốn liếng của nó chỉ từ năm bảy trăm ngàn đến năm mười triệu đồng thôi. Đó là nói về giá trị của một chiếc xe ba gác, một chiếc xe lôi ở vùng đồng bằng sông nước này (và hàng trăm ngàn chiếc xe cùng loại trong cả nước). Với cái giá nhỏ nhoi ấy, nhưng đã gồng gánh, nuôi sống cả gia đình (có gia đình với nhiều thế hệ liên tiếp) vượt qua tháng năm khó nhọc. Nó gần như là phương tiện kiếm sống cuối cùng của biết bao gia đình lao động ở đô thị. Giờ đây, lệnh cấm triệt để ban ra, không phải đột ngột trong một vài ngày mà đã báo trước hàng năm rồi. Nhưng điều muốn nói ở đây là tính hiệu quả của lệnh cấm phát ra, một khi nó va chạm tới đời sống của hàng trăm hàng trăm ngàn người (cả người hành nghề và người sử dụng nó). Cấm xe ba gác, xe lôi (gọi chung là xe tự chế)? Lý lẽ thật đơn giản:"vì an toàn, vì mỹ quan thành phố"(?!) Cùng với lý lẽ ấy là khoảng trống quá lớn cho những giải pháp thỏa đáng để giải quyết tới nơi tới chốn đời sống của người lao động.
Hình như từ rất lâu rồi, có một thói quen thật đáng trách là rất ít ai dám "nói ngược lại", mà chúng ta hay gọi là "phản biện". Chính vì không có phản biện hoặc phản biện chiếu lệ mà trong thực thi quản lý nhà nước từ trung ương tới cơ sở gặp không ít tổn thất, mất lòng dân trong nhiều trường hợp không đáng có. Cấm xe ba gác, xe lôi và các loại xe tương tự, có thể cần thiết, nếu có lộ trình đầy đủ về thời gian cùng các giải pháp thay thế hợp lý hợp tình. Hơn ai hết, trách nhiệm này thuộc về Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan. Đâu phải tất cả xe ba gác, xe lôi từ trước nay không có giấy phép, không có giám định an toàn của ngành giao thông các địa phương. Bởi xe ba gác và xe lôi, phải đâu chỉ xuất hiện sau năm 1975. Nó thật sự là phương tiện thiết yếu cho người dân đi lại trong các chợ búa,thị xã thị trấn và nhất là vận chuyển hàng hóa đối với người buôn bán nhỏ. Để bây giờ, khi lệnh cấm sát ngày có hiệu lực, gặp biết bao lúng túng, bất cập, mà chưa thấy cấp nào trả lời suôn sẻ, thỏa đáng. Một số địa phương bảo sẽ hỗ trợ cho mỗi chủ xe một vài triệu đồng để họ chuyển nghề "cấp tốc", thì ai cũng biết,đó là cách nói để mà nói. Tôi mong những người ấy đặt mình trong hoàn cảnh của người chạy xe ba gác, xe lôi thử xem. Rồi bây giờ mỗi nơi nói một phách, chỗ thì bảo phải cương quyết, chỗ thì cần gia hạn... rồi "Đối với các loại xe ba bánh nhập khẩu (do Trung Quốc sản xuất), Phòng CSGT vẫn tiến hành cho đăng ký bình thường" - Thượng tá Phạm Văn Thịnh, trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an Tp.HCM (báo Tuổi Trẻ, 30.12.2007). Vậy thì lẽ nào ngành cơ khí Việt Nam không sản xuất được một loại xe như thế và không đủ trình độ giám định an toàn, để đến đỗi phải nhập từ Trung Quốc, mới được "đăng ký bình thường"?
Tôi thật sự buồn và bức xúc, chờ nghe tiếng nói phản biện rạch rói từ các nhà quản lý kinh tế, với tư cách là "nhà phản biện chuyên nghiệp" lập luận thuyết phục trước vấn nạn nóng bỏng này. Xét ra, việc cấm xe ba gác, xe lôi và các xe cùng loại không đáng phải căng thẳng, nan giải và phức tạp đến như vậy, nhưng do sự hờ hững quá mức trước đời sống cùng khổ của người dân (và biết đâu cũng có phần ỷ vào quyền lực của nhà nước?) nên mới đẩy tình cảnh bức xúc như hiện nay.
30.12.2007