Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008

NGẬM NGÙI


Ngẫu nhiên hay đã có một sự tính toán nào trước, khi thời điểm cuối cùng cho các loại xe ba gác, xe lôi, xe ba, bốn bánh, gọi chung là xe 'tự chế" phải chấm dứt lăn bánh, được ấn định đúng vào ngày 31 tháng 12 năm 2007. Năm hết, Tết đến. Đó là thời điểm tất bật với biết bao công việc sau một năm tần tảo và hối hả lo toan để lại bước vào ngưỡng cửa của 365 ngày sắp tới. Từ tết tây đến tết Mậu Tý, chỉ cách nhau trên dưới một tháng. Đây là dịp để người hành nghề bằng phương tiện thô sơ kiếm sống đỡ hơn những ngày thường. Tôi không dám nói "trời đánh còn tránh bữa ăn", nhưng không biết sao cứ liên tưởng tới cái điều không hay chút nào ấy lại như là một chuyện đã được sắp đặt (hay người ta quên bẵng cái thời khắc ngặt nghèo này?)
Hàng năm, rất nhiều nơi trên đất nước mình thường xuyên tổ chức, kêu gọi lòng hảo tâm, từ thiện của mọi người "một nắm khi đói bằng một gói khi no", chính là để cứu giúp cho những người nghèo khó, không kế sinh nhai và bị thiên tai bão lụt liên miên. Trong số đó, có không ít người phải đem cơ bắp cùng cái phương tiện "tự chế" của mình để đổi lấy miếng cơm từng bữa. Có mấy ai giàu có mà đi đạp xe ba gác, đi chạy xe lôi! Xóa đói giảm nghèo là lương tâm và nghĩa vụ của con người với con
người. Đây còn là chuyện làm phước rất thiêng liêng. Bao giờ dân mình mới hết nghèo khó? Chắc là còn lâu lắm. Nhưng dần dần đã thấy giảm đi khá nhiều, đó là nỗi mừng của toàn xã hội.
Để an toàn giao thông, chính là quý trọng sinh mạng của con người, cũng là mục đích của việc hạn chế và cấm các loại xe thô sơ nói trên. Điều muốn nói ở đây là lộ trình thực thi mệnh lệnh ấy, có vẻ như không có phương án kỹ càng, không ai là "chủ dự án" cụ thể. Với hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước đang hành nghề bằng phương tiện này, bỗng nhiên mất việc, bỗng nhiên thất nghiệp (nếu rơi đúng vào hoàn cảnh mỗi chúng ta),liệu họ phải xoay trở cách nào? Được biết, lệnh này đã có từ một vài năm nay, nhưng cũng chừng ấy thời gian, việc triển khai thật hờ hững. Với những nơi đã triển khai thì gần như không đưa ra được điều kiện vật chất nào đảm bảo, còn lý lẽ thì không sao thuyết phục được. Một mệnh lệnh hệ trọng như vậy, đụng mạnh vào đời sống của nhiều ngàn người mà chừng như các cơ quan quản lý, điều hành chỉ chờ cho đến ngày nó có hiệu lực để lớn tiếng "tịch thu, biến thanh phế liệu". Nghe mà không thể cầm lòng. Nếu quả thật xe ba gác, xe lôi sẽ biến mất trong một vài ngày nữa (như trò ảo thuật) thì chắc chắn sinh hoạt của người dân sẽ chới với biết chừng nào. Rồi bằng phương tiện gì để lấp đầy chỗ trống rộng lớn đó trong ngày một ngày hai? Đã thật sự đến lúc phải "dẹp" nó khẩn cấp như vậy chưa? Tại sao từ trước tới nay ngành chức năng không đặt ra việc chấn chỉnh kỹ thuật một cách nghiêm ngặt và thay thế dần bằng loại xe sản xuất trong nước, để bây giờ hấp tấp, phải nặng dùng mệnh lệnh với người dân? Tiếc thật.
Ngày cuối 2007.

PHẢN BIỆN

Không biết chuyện này nên xem là nhỏ hay lớn. Bởi vốn liếng của nó chỉ từ năm bảy trăm ngàn đến năm mười triệu đồng thôi. Đó là nói về giá trị của một chiếc xe ba gác, một chiếc xe lôi ở vùng đồng bằng sông nước này (và hàng trăm ngàn chiếc xe cùng loại trong cả nước). Với cái giá nhỏ nhoi ấy, nhưng đã gồng gánh, nuôi sống cả gia đình (có gia đình với nhiều thế hệ liên tiếp) vượt qua tháng năm khó nhọc. Nó gần như là phương tiện kiếm sống cuối cùng của biết bao gia đình lao động ở đô thị. Giờ đây, lệnh cấm triệt để ban ra, không phải đột ngột trong một vài ngày mà đã báo trước hàng năm rồi. Nhưng điều muốn nói ở đây là tính hiệu quả của lệnh cấm phát ra, một khi nó va chạm tới đời sống của hàng trăm hàng trăm ngàn người (cả người hành nghề và người sử dụng nó). Cấm xe ba gác, xe lôi (gọi chung là xe tự chế)? Lý lẽ thật đơn giản:"vì an toàn, vì mỹ quan thành phố"(?!) Cùng với lý lẽ ấy là khoảng trống quá lớn cho những giải pháp thỏa đáng để giải quyết tới nơi tới chốn đời sống của người lao động.
Hình như từ rất lâu rồi, có một thói quen thật đáng trách là rất ít ai dám "nói ngược lại", mà chúng ta hay gọi là "phản biện". Chính vì không có phản biện hoặc phản biện chiếu lệ mà trong thực thi quản lý nhà nước từ trung ương tới cơ sở gặp không ít tổn thất, mất lòng dân trong nhiều trường hợp không đáng có. Cấm xe ba gác, xe lôi và các loại xe tương tự, có thể cần thiết, nếu có lộ trình đầy đủ về thời gian cùng các giải pháp thay thế hợp lý hợp tình. Hơn ai hết, trách nhiệm này thuộc về Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan. Đâu phải tất cả xe ba gác, xe lôi từ trước nay không có giấy phép, không có giám định an toàn của ngành giao thông các địa phương. Bởi xe ba gác và xe lôi, phải đâu chỉ xuất hiện sau năm 1975. Nó thật sự là phương tiện thiết yếu cho người dân đi lại trong các chợ búa,thị xã thị trấn và nhất là vận chuyển hàng hóa đối với người buôn bán nhỏ. Để bây giờ, khi lệnh cấm sát ngày có hiệu lực, gặp biết bao lúng túng, bất cập, mà chưa thấy cấp nào trả lời suôn sẻ, thỏa đáng. Một số địa phương bảo sẽ hỗ trợ cho mỗi chủ xe một vài triệu đồng để họ chuyển nghề "cấp tốc", thì ai cũng biết,đó là cách nói để mà nói. Tôi mong những người ấy đặt mình trong hoàn cảnh của người chạy xe ba gác, xe lôi thử xem. Rồi bây giờ mỗi nơi nói một phách, chỗ thì bảo phải cương quyết, chỗ thì cần gia hạn... rồi "Đối với các loại xe ba bánh nhập khẩu (do Trung Quốc sản xuất), Phòng CSGT vẫn tiến hành cho đăng ký bình thường" - Thượng tá Phạm Văn Thịnh, trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an Tp.HCM (báo Tuổi Trẻ, 30.12.2007). Vậy thì lẽ nào ngành cơ khí Việt Nam không sản xuất được một loại xe như thế và không đủ trình độ giám định an toàn, để đến đỗi phải nhập từ Trung Quốc, mới được "đăng ký bình thường"?
Tôi thật sự buồn và bức xúc, chờ nghe tiếng nói phản biện rạch rói từ các nhà quản lý kinh tế, với tư cách là "nhà phản biện chuyên nghiệp" lập luận thuyết phục trước vấn nạn nóng bỏng này. Xét ra, việc cấm xe ba gác, xe lôi và các xe cùng loại không đáng phải căng thẳng, nan giải và phức tạp đến như vậy, nhưng do sự hờ hững quá mức trước đời sống cùng khổ của người dân (và biết đâu cũng có phần ỷ vào quyền lực của nhà nước?) nên mới đẩy tình cảnh bức xúc như hiện nay.
30.12.2007