Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

"VIỆC GÌ CÓ HẠI CHO DÂN..."

Vậy là "bi kịch" cấm xe lôi, xe ba gác, xe công nông...gọi chung là xe tự chế vẫn chưa có hồi kết. Nó cứ nhùng nhằng nhũng nhẵng, không ai dám chắc đến khi nào mới được chấm dứt như người dân nghèo mong đợi. Tại sao vậy? Chẳng ai có trách nhiệm trả lời một cách rành rọt, chí lý chí tình.
Những năm gần đây đời sống người dân có khá lên đôi chút, nhưng không vì thế mà khó khăn giảm đi đáng kể. Với người lao động, việc thiếu trước hụt sau vẫn còn là chuyện thường nhật. Phải cố bươn chải để có được miếng cơm hàng ngày và chút tiền cho con đi học. Vậy mà đùng một cái, lệnh cấm các loại xe này ban ra với đủ lý do "gán tội" cho nó. Giờ đây, sau hơn 3 tháng thực thi, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, không biết phải xoay xở cách nào. Bao nhiêu lời hứa hẹn trợ cấp chuyển nghề, giải quyết việc làm ở các địa phương vẫn như chuyện "nghe qua rồi bỏ". Tổ chức này đổ cho tổ chức kia, cơ quan này đùn đẩy cho cơ quan nọ. Rốt cuộc người lao động "lãnh đủ".
Chúng ta đang vận động toàn Đảng toàn dân ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chắc chắn nhiều người rất thấm thía câu nói của Bác:"Việc gì có hại cho dân phải kiên quyết tránh; việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm cho kỳ được". Nếu so sánh câu nói đó với việc cấm xe lôi, xe ba gác, xe công nông, xe tự chế một cách đồng loạt, làm đảo điên đời sống của hàng triệu người lao động thì liệu được lợi cho ai? Có đúng là các loại xe nói trên thiếu an toàn và làm xấu mĩ quan thành phố không? Sự đánh giá ấy xuất phát từ đâu, nó dễ dãi đến vậy sao? Không ít ngưới đã từng đi nhiều nước trên thế giới, dầu là châu Á, châu Âu, hay châu Úc, châu Mỹ, nào phải những nước có nền kinh tế phát triển cao ấy họ đã dẹp hết các loại xe thô sơ tự chế để dùng toàn phương tiện giao thông hiện đại. Huống gì nước ta, với các loại xe ấy vẫn còn đắc dụng cho việc chở người và vận chuyển hàng hóa hàng ngày. Kể từ khi Nghị Quyết 32 của Chánh phủ có hiệu lực đến nay, tưởng đã khá đủ thực tế để những người, những cơ quan có trách nhiệm kiểm chứng một chủ trương có hợp lòng dân không?
Gần đây, nhiều người chua chát nói đó là "hậu"...cấm xe lôi, xe ba gác. Cực chẳng đã người ta phải quay lại tận dụng xe trâu, xe bò, xe thồ để gồng gánh lúa từ ngoài đồng về, chở heo gà vịt rau cá ra chợ. Nhếch nhác và chậm chạp không sao chịu nổi. Còn tìm loại xe thay thế thì chuyện như đùa. Chứng tỏ, những tổ chức ra lệnh cấm không chịu trách nhiệm nghiêm túc, để có quá trình chuẩn bị thỏa đáng cho người dân. Rồi như chuyện lạ, giữa lúc lệnh cấm còn "tranh tối tranh sáng" thì lập tức xe lôi của Trung Quốc đã lù lù có mặt đó đây. Hỏi ai cho phép nhập thì câu trả lời thật lập vập. Thế rồi nó cũng lần lượt được cấp phép lưu hành trót lọt. Mà nào có phải xe lôi Trung Quốc đẹp đẽ và an toàn cho lắm, nếu không nói còn xấu hơn và chất lượng an toàn không hơn gì xe lôi, xe ba gác của ta. Nhiều người nói vui "Tự mình đá thủng lưới nhà một cách ngoạn mục"(!). Còn các loại xe tải nhỏ trong nước thì có chiếc nào dưới trăm triệu đâu, hỏi làm sao người chạy xe lôi, xe ba gác mua nổi? Vả lại, nếu có mua được thì nó cũng kềnh càng rất khó thay thế cho xe lôi, xe ba gác vốn quen với bà con mình, từ lâu thích hợp đường ngang ngõ tắt và những con hẻm ngoằn ngoèo nhỏ hẹp. Thực trạng này không chỉ người chạy xe kêu trời mà cả những chủ bán vật liệu xây dựng cũng chẳng biết nói vào đâu cho thấu, dẫn tới việc buôn bán ế ẩm. Chẳng lẽ mua một bao xi măng, vài mươi viên gạch lại mướn chiếc xe tải cả tấn để chở? Bài toán thất thu do trở ngại, ách tắc trong vận chuyển hàng hóa chắc chắn không thể tính bằng triệu được.
"Việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm cho kỳ được". Qua thực tế, đủ thấy lệnh cấm trên là chưa phù hợp. Lẽ ra, trước hết những cơ quan chịu trách nhiệm phải kịp thời giải tỏa và xin lỗi người dân. Đó cũng là việc bình thường như trong sinh hoạt Đảng,điều hành chánh quyền và tiếp xúc với dân. Không vì thế mà quá nặng nề. Xin lỗi dân khi mà người cầm quyền làm chưa đúng, để họ càng thêm tin yêu người lãnh đạo của mình, bởi đã biết nhận ra những gì làm phương hại đến đời sống người dân. Đó chính là thước đo học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách cụ thể va thuyết phục nhứt.
Với tư cách công dân, tôi cứ lấy làm tiếc, tại sao chúng ta lại để "sự cố" đáng buồn này xảy ra? Gọi sự cố, bởi lẽ việc cấm đoán này không đáng có trong lúc đất nước còn quá nghèo khó, Chánh phủ phải để tâm lo toan bao nhiêu việc lớn lao khác. Rồi lại không may, cơn bão giá, lạm phát ập đến, khiến người lao động khốn đốn trăm bề...Còn với các loại xe thô sơ, theo quy luật phát triền, tự nó sẽ dần dần thay thế mà không làm xáo trộn đến đời sống của nhiều người lao động.
Cần Thơ, th1ng 4 năm 2008

ĐẤT

Người xưa từng nói "Sống với đất thác về với đất", nghe sao ngậm ngùi như điều ứng báo tâm linh. Đất là niềm mơ ước và hạnh phúc của biết bao thế hệ con người. Nhưng đất cũng là nỗi bất hạnh, đớn đau và nhục nhã tột cùng. Cái ranh giới mong manh ấy như nỗi oan khiên truyền kiếp, không chịu buông tha con người. Thời nào cũng vậy, để làm chủ được hoàn toàn mảnh đất của mình, dù đó là vài ba hecta, hay chỉ một rẻo nhỏ năm mười thước vuông thôi, cũng không dễ chút nào. Người ta còn sánh đất với máu - bởi con người đã từng giành đất và giữ đất bằng chính mạng sống của mình.
Hôm giữa tháng 3 năm 2008, trong cuộc giao lưu Hội Sách khá hoành tráng tại thành phố Hồ Chí Minh, bất ngờ có độc giả hỏi: Giữa đạo diễn phim tài liệu, với danh hiệu nhà báo, nhà văn, anh thích mình được gọi là gì? Không chút ngần ngại, Võ Đắc Danh bảo: Anh nông dân! Thọat đầu, tôi nghĩ Võ Đắc Danh có phần..."lên gân". Nhưng thật ra, anh chẳng ngẫu hứng chút nào. Anh đã biết chọn đúng cái mình giàu có nhứt, am tường nhứt. Vậy là quá đủ và quá hạnh phúc rồi. Biết đâu, đó lại là định mệnh cực nhọc của một kiếp người sinh ra từ đất. Bởi tuổi thơ Võ Đắc Danh là những tháng năm làm bạn với rạ rơm, với cánh đồng sụt sùi mưa nắng, với những ngày loi ngoi trên lưng trâu đến tối mò tối mịt. Chính vì thế mà không khó gì để anh nghe được nỗi niềm của đất. Suy rộng ra, hàng ngàn năm nay, nhân lọai với biết bao cuộc chinh phạt, chém giết lẫn nhau, rốt lại cũng chỉ vì ma lực của lòng tham vô hạn với đất mà thôi. Giá như có phép bỗng biến đất mất đi thì liệu con người sẽ lấy lý do gì để tồn tại? Nhưng để có đất, được đất mà đầm đìa nước mắt và máu thì thật đáng nguyền rủa. Vậy mà cái bi kịch ấy vẫn không ngừng diễn ra ngày càng nghiệt ngã với bộ mặt diêm dúa của thời "văn minh hiện đại".
CANH BẠC,tập bút ký mới nhứt của Võ Đắc Danh là một tiếp tục về nỗi buồn vui bất tận của "canh bạc...đất". Ba tập trước là: NỖI NIỀM U MINH HẠ, ĐỒNG CỎ CHÁT và THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN. Đời một người cầm viết, được sống chết với điều luôn ám ảnh mình như Võ Đắc Danh, ấy cũng chính là cơ may để anh nhận được thứ ánh sáng nguyên sơ và sự khơi nguồn trong trẻo của lòng tin, mở đường cho những trang viết nhiệt tâm đến thẳng tâm hồn người đọc. Dù là trực tiếp mô tả thân phận của những người nông dân bị mất đất rừng, đất ruộng ở Cà Mau, Long An, Đồng Nai, hay viết về mối tình vu vơ thuở ấu thơ của chính mình trên cánh đồng còn thơm mùi rạ mới, hoặc viết về những đứa trẻ mồ côi trên đỉnh núi Cấm của dải Thất Sơn...cũng đều thấy rõ mồn một những hình ảnh sống động được đặt trên cái nền đất đai mênh mông thân thuộc nhưng luôn tiềm ẩn biết bao điều bất an tội nghiệp. Vì vậy mà người viết mấy dòng này muốn đặt tên cho bài viết ngắn về tập bút ký này của Võ Đắc Danh là ĐẤT.
CANH BẠC, cũng như hàng trăm bút ký khác của tác giả không phải là thứ văn chương hấp dẫn bởi sự kết cấu ly kỳ. Như một nghệ sĩ tạo hình, Võ Đắc Danh cố nghiền ngẫm chất liệu đời sống rồi đắm hồn tạc nên những chùm tượng thô ráp tươi nguyên. Anh tin, với chất "mộc" của nghệ thuật, tự nó sẽ dễ gần gũi với con người hơn. Có lẽ vì thế mà tác giả luôn kiềm chế, không cho phép mình "hoa mỹ" trước nỗi đau của đồng lọai. Võ Đắc Danh đã dùng bàn phím máy tính của mình một cách có hiệu quả,ghi chép trung thực nhiều mặt bức tranh hỗn tạp của đời sống hôm nay. Đố kỵ với tác giả là sự tô hồng hoặc bóp méo những điều bức xúc. Anh không muốn thêu dệt, trộn lẩn thực hư, dễ dẫn tới những ngộ nhận huyễn hoặc, hậu quả khôn luờng. Đã nghe thấy đây đó không ít trường hợp, chỉ cần bịa một cái tên là lạ nào đó hoặc thêm thắt vài chi tiết lếu láo thì cả bài viết kể như bỏ đi và bóng dáng của tác giả cũng biến khỏi trong lòng bạn đọc. Cái giá chân tình trong quan hệ ở đời và tính chân thật trong bút ký, xem ra chẳng khác nhau là mấy. Không khéo, tự mình uốn cong ngòi viết và dối trá với những người dân quê chân chất đang từng ngày đối mặt với bao điều nghịch lý; bởi ở họ còn chút hy vọng gởi gắm vào văn chương, xem văn chương như người bạn thủy chung, chia sẻ.
Cần Thơ, tháng 3 năm 2008