Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

CÓ MỘT VẦNG TRĂNG

Đám mây xám thấp sà
trôi thật chậm
vầng trăng hao gầy
nhòe nhoẹt

Cô gái về khuya
một mình
lất phất
mưa

Tần ngần
hiu hắt
ánh đèn
những vệt son
lăn dài theo nước mắt.
10.3.1993

THƠ TÔI

Sao lại có thể nhởn nhơ?

Nhà thơ
chịu sức ép tháng ngày lận đận
một câu thôi, viết chẳng ra hồn
tả người tình như kẻ lên cơn
tả kẻ ác sắc màu lộng lẫy
sự phẫn nộ bùng bùng lửa cháy
mà như một ánh diêm xòe

Thơ tôi được mấy người nghe
tôi làm thơ có cần công sự?
tội nghiệp nhà thơ một đời sinh tử...
15.3.1993

TRÁI TIM MÌNH

May mắn là tôi lượm được trái tim mình
trên con đường lầy lội
buốt lạnh, máu khô

Đôi tay run run
nâng trả lại lồng ngực bị thương tội nghiệp
lồng nghiệp chối từ
bởi trái tim hững hờ
để rớt!
11.3.1993

NHÂN DANH

Xưa nay là thế

Bởi con người là nhân danh
nhân danh điều thiện, điều lành
nhân danh đất trời, thần thánh

Nhân danh nhân dân
nhân danh tổ quốc
nhân danh...

Chẳng thấy ai nhân danh tội ác
mà tội ác quá nhiều.
11.3.1993

NẾU NHƯ

Mặt đất vườn ươm xanh mởn những cây con
biết bao hạt mầm rễ tủa dài nõn trắng

Nếu như không có nơi để bám
thì điều gì sẽ xảy ra?
10.3.1993

LỰC ĐẨY

Mác khuyến cáo con người:
hãy hoài nghi tất cả
hoài nghi chính mình

Chân lý khổng lồ
lực đẩy
nền văn minh tương lai
bắt đầu bằng dấu hỏi
11.3.1993

VƯỜN HOA

Trời lúc mưa lúc nắng
bất chừng
mhững vườn hoa không có bóng chim về
những vườn hoa vầng trăng lạnh lẽo

Khói bụi mịt mù, cay xé
lá cành héo hắt
lòng đất cỗi màu
bông hoa nghẹn trổ

Những loài cây xơ xác
bóng tỏa trầm tư
10.3.1993

CÂN BẰNG

Nhiều người béo phì
đứng ngồi chậm chạp
xoay mình cũng mệt
sắc đẹp thất thần, cấp cứu

Người ta tìm sự cân bằng ngay trong ăn uống:
bớt thịt, bớt bia
mà rất khó (!)

Nhiều người xanh gầy
kiệt tàn sức lực
làm gì cũng mệt
sắc đẹp kể gì

Lại cũng tìm sự cân bằng ngay trong ăn uống:
ăn nhiều thịt, uống nhiều bia
làm sao có được!
17.3.1993

TƠ TƯỞNG

Nào phải tự dưng có vườn cây ăn trái
trĩu những chùm vàng chùm đỏ đong đưa
thế mà ta cứ tơ tưởng mãi
suốt một đời mong sớm chờ trưa...
10.3.1993

GIẤC MƠ

Đâu phải người già không mơ
bao giấc mơ khác nào con trẻ
niềm vui như sung tràn trề hạnh phúc

Giật mình
chợt thức
mắt mở hoài
lòng cứ rưng rưng!
10.3.1993

THƠ MÌNH

Người ta bảo sao tôi hay làm thơ thời sự
như chuồn chuồn cánh mỏnh chẳng bay cao
bởi tôi vốn người không hay chữ
thấy thế nào viết vậy, biết sao!

Người ta bảo nhà thơ tìm những điều cối lõi
quanh quẩn râu ria tiêu cực làm gì
tôi chẳng phải người ham soi mói
cái ác buộc mình không được quay đi

Người ta bảo nhà thơ viết về vĩnh cửu
đừng như lửa rơm một chốc rồi tàn
người chết đuối lẽ nào không cứu
tôi làm liều, chớ chẳng phải gan!

Người ta bảo nhà thơ phải có tầm thời đại
tạc vào bia năm tháng chẳng phai mờ
đôi mắt nói cùng điều ngang trái
hèn nhát làm gì có được câu thơ

Thơ tôi viết. Ừ, tôi đang viết
có trái tim giữ nhịp cho mình
biết mai mốt rồi thơ sẽ chết
cùng với tôi như một mối tình

Chỉ lúc ấy máu không còn chảy
nhờ hồn thơ thao thức canh chừng
còn nghe được tiếng gà vẫn gáy
và mặt trời sưởi ấm sau lưng...
16.3.1993

AI NÓI BÂY GIỜ

1.
Người đang nói say sưa về đạo đức
ấy là anh ta "nghi binh" khoảng tối lòng mình
nhưng tiếc thay, lời nói có âm mà chẳng có hình
nên đâu cách gì che chắn được

2.
Người diễn cảm nhùng nhằng về nhân tình, cao thượng
chính là diễn viên tuyệt vời
không phải hóa trang (!)

3.
Ai nói bây giờ không còn nghe tiếng mõ?
ai nói bây giờ không còn nghe tiếng trống?
chẳng thấy những kẻ rỗng lòng đang lớn tiếng đó sao!
4.6.1993

TRÁI TIM ĐI BIỂN

Mặt trời thì nóng
mặt trăng thì xa
những cơn gió mịt mù
ai đi dọc những triền cát
xuyên suốt những cánh rừng

Nắng mưa cười khóc
giọt nước mắt trong suốt
cây thiên tuế bình thản trên đỉnh núi xa
không điều gì hoảng sợ
vực sâu trong lòng kẻ ác
nó tự chôn mình

Mặt trời thì nóng
mặt trăng thì xa
đợi ai ai đợi

Sao lại chờ sung, trách cứ
ta trách mình đời sẽ vui hơn
từ lòng tốt gió thổi về mát rượi
vườn lương tâm chim chóc bay về

Gắng bước theo bàn chân lặng lẽ
mai này thử sức ra khơi ...
18.6.1993

KHÚC NHÂN TÌNH

Con người
ám ảnh
tìm đâu ra bài hát vui tột cùng

những đứa trẻ lang thang
con đốm già dắt ông mù gậy dò trong phố
tờ hai trăm, tờ năm trăm nhàu nát
con gái mười lăm son phấn vụng về
gương mặt con mình thấp thoáng những hôtel

Ôi những công dân nghèo ngoại hạng
đang lạc giữa vùng không tiếng động
mất sóng nhân tình

Khúc đồng ca chiều mưa lạnh lẻo
văng vẳng điệu buồn thâu đêm...
3.6.1993

CHA TÔI

Tóc sương phơ phất
thời gian như nước cuộn trôi
con thuyền mong manh nghiêng ngã
trái tim độc huyền chạm gió ngân xa

Cha tôi thức hay ngủ
đôi mắt khép hờ
với ông mọi điều ngờ ngợ
có thật màu xanh tốt tươi từ lá
có thật bông hoa từ đất nở ra
điều thiện vòng vèo pha chế
con người như có như không...

Lắng nghe lắng nghe hồn gọi
cha tôi không nói bằng lời...

18.10.1993

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

THAO THỨC

1.
Lá xanh mướt như ngàn gương mặt
vầng trăng trôi theo gió lưng trời
suối thao thức rì rầm như tiếng hát
đủ cho người, cho người nghe thôi

2.
Bao nhiêu đêm rồi cuộn mình trong phố
ta quên trăng và loáng thoáng ánh đèn
thuở vượt dốc, men theo con đường nhỏ
bỗng quên nhiều gương mặt thân quen

3.
Thời gian hỡi, thời gian thành khách lạ
ta lạc trong ta tự lúc nào
ôi trái tim đang hồi buốt giá
chợt ngỡ ngàng quên mất hôm qua!

1985

THƠ TÔI*

Có người bảo thơ tôi bây giờ "màu xanh" (?!)
thì vui... chim hót, đất yên lành
nhọc nhằn, xương máu gieo mầm sống
quả thật thơ mình chưa xứng danh

Có người bảo thơ tôi bây giờ "màu đen" (?)
gương mặt nào lạ lạ quen quen
bởi đời cay đắng, thơ thao thức
thơ thật thà chẳng biết bon chen

Mới hay, đời có nhiều thơ quá
"thơ đỏ", "thơ đen", lại "thơ xanh"
"thơ vàng", "thơ trắng" là sao nữa?
rồi chắc có mùi thơm và tanh (?!)

Vui chưa, có một thứ "quan tòa"
"quan điểm, lập trường" ta... nhứt ta
thơ mà ông đọc... mà ông "duyệt"
xác chữ phơi đầy bãi tha ma...
1990


______
*Có quan chức đánh giá thơ tác giả, đại ý:
thơ viết trong chiến tranh là "đỏ" (có thể xem là tốt),
còn thơ viết trong hòa bình là "xanh" và "đen" (xem như xấu, rất xấu).
Mỉa mai sự đánh giá méo mó đó, tác giả đã viết bài thơ này.

RỪNG ĐƯỚC

Cắm xuống
mỡ màu phù sa
rễ đước
bỗng xòe đường nét

Đương đầu
năm tháng phong ba
rừng ơi
người ơi
có biết!
1990

TẶNG NGƯỜI THỢ SĂN

Ham giết làm gì
một tiếng chim
sáng qua thành phố
bỗng im lìm

Mắt chim
như mắt người trong vắt
đôi cánh mềm rơi
mấy nỗi niềm!
1990

HOA QUỲNH

Đâu phải cho người
mà người kiêu hãnh
trắng muốt trong đêm
một tấm lòng

Tạ ơn đất trời
tháng năm ấm lạnh
thanh thản hoa quỳnh
chẳng đợi hừng đông
1990

ĐIỀM

Trái đước
mang hình mũi viết
cắm xuống bãi bùn
dấu chấm than

Điềm lành hay dữ
nào ai biết
giờ xác xơ
nghe gió lạnh tràn!
1990

ĐƯỜNG THƠ

Dọc đường Thơ ngày ấy
đất như còn đung đưa
đêm giật mình trở dậy
nghe giợ buồn hay mưa!
1990

CON VÀ NGƯỜI

Có mấy CON trong NGƯỜI
có mấy NGƯỜI trong CON
mà cuộc đời khổ thế
chắc tại là phấn son!
1990

KÍNH ĐỔI MÀU

Sáng rất đẹp
chiều rất đẹp
và trưa
dịu dàng hư thực

Gặp người ăn xin
tỉnh bơ
gặp người tàn tật
tỉnh bơ
gặp người hoạn nạn
tỉnh bơ
kính đổi màu hay thật.
1990

GẶP TRĂNG

Ta gặp trăng trong đêm rừng rậm
trăng cùng ta đi khắp chiến trường
ta gặp trăng trong đêm miệt vườn xanh thắm
trăng thân tình như người đồng hương

Ôi người bạn đồng hương không nói
vô tư thắp sáng đêm dài
ai thức ngủ một đời mệt mỏi
có nhớ Đêm Này và tới Ngày mai!
1990

CHUÔNG NHÀ

Cực nỗi
nhà sát đường
quấy rầy
điếc tai
tôi tọt ở tận nhà sau

Người tới gọi không tài nào nghe được
tôi bèn nối với đời bằng chiếc chuông không dây bé xíu
ré lên, giật mình

Được cái
rất ít người bấm
hóa ra càng yên

Nhiều lúc ngỡ mình ở đảo...
1990

PHÒNG LẠNH

Thật tinh khiết và dễ chịu
chẳng hạt bụi, chẳng tiếng ồn
mấy cành hoa quý phái lặng trang
rì rì như tiếng biển mù xa

Ngoài kia
mù đường
bụi, nóng
dòng người lặng lẽ...
1990

VÒNG TRÒN

Anh hy vọng trước tờ vé số
anh thất vọng sau tờ vé số

Hy vọng
rồi thất vọng

Cái vòng tròn phù thủy
dẫn ta vào cõi mê

Như trò chơi vô phương từ chối
dọc đường đời rủi may

Cứ đi
đi hoài
bàn chân chẳng bao giờ nghỉ...
1990

NGỠ NGÀNG

1.
Tự lúc nào tôi thành người mê hoa
những dò phong lan đài các
cành hoa dài lắt lay

Tàn
đến lúc đời hoa chấm hết
không cách gì
mặc tôi làm đủ trò
hoa chẳng hề kết nụ

2.
Chợt một ngày
"ôi, phong lan đẹp quá"
người ta trầm trồ hết lời
vẻ mĩ miều của nó
bởi màu tím thẳm sâu
bởi màu vàng tuơi tắn
và màu trắng, sao cái màu trắng lạ

Chẳng biết vui hay buồn
tội nghiệp con người hồn nhiên quá đỗi

Vẫn vậy
những bông hoa như thế lên ngôi
hay đâu sự cợt đùa của gió

Tôi chợt rùng mình...
1990

HOA

Tình yêu
đẹp tựa bông hoa
những bông hoa lung linh huyền diệu

Nào ai dám chắc
hoa không héo không tàn

Tấm lòng
chỉ có tấm lòng
mới biết được tấm lòng
mới che nổi thời gian
giữ cho hoa đẹp mãi...
1990

KHÔNG ĐỀ

Quê em
ai bảo có sông trăng
giờ kiếm
lòng bao quản nhọc nhằn
nhấp nháy
sao trời chao sóng nước
giật mình
cứ ngỡ ánh trăng tan
1990

XƯA VÀ NAY

Công tử Bạc Liêu xưa
phải đâu huyền thoại

Công tử Việt Nam nay
chuyện thật như đùa

Ngưu mã tầm nhau
giờ gặp lại

Trái tim rao mời
Bớm bán chiều mua...
1990

ANH

A.
Có đến gần hai mưới năm chưa gặp lại. Một dòng tin cũng chẳng biết dò đâu. Càng nhớ tôi càng thương anh quá. Lại hỏi tìm khắp nơi. Tìm tên anh đến tận Sài Gòn, Hà Nội. Những tên quen quen là lạ. Những tên là lạ chưa quen. Năm tháng chiến tranh có làm anh mệt mỏi, giờ nghỉ ngơi ở tận phương nào? Bên những hàng dừa, bờ sông, hay trong những xóm nghèo heo hút, đêm đêm ánh điện chờ mong.

B.
Cho đến một ngày, tôi như lóa mắt. Buổi đón chờ mới trịnh trọng làm sao. Anh bước đi như chẳng được bình thường và nụ cười như chừng cũng gượng. Chợt nghe tên anh sao bỡ ngỡ. Anh chính là... Vẫn anh năm xưa. Anh của gương mặt những đêm lội bùn, vượt sông, luồn sâu vùng địch, với xuồng ba lá giữa đêm mưa Tháp Mười hay từng bước nhọc nhằn dọc dải Thất Sơn. Anh của những ngày dũng cảm thông minh đánh tan trăm tiểu đoàn kẻ thù trên đồng lầy Vị Thanh, Long Mỹ... Anh thật đây rồi, tôi mơ màng hư thực. Vẫn anh năm xưa người tôi gặp bây giờ. Ước gì cứ gọi tên anh như những ngày xưa ấy, những ngày xưa ai dễ gì quên...
1990

TUYẾT, TRĂNG

Tuyết rơi
thôi tuyết đừng rơi
trái tim lạnh buốt
giữa trời giá băng
xa vời
ơi chiếc thuyền trăng
để thương nhớ
mãi nhọc nhằn
bến xa

Hỏi mình
mình hỏi lòng ta
đâu đây có kẻ xa nhà
trắng đêm
gió đong đưa
khúc ru mềm
Tuyết rơi chi
tóc bạc thêm rất nhiều

Con đường nào tới tình yêu
con đường nào chẳng ít nhiều phong ba

Vầng trăng
như mắt nhìn xa
cho đêm thao thức lòng da diết hoài
mù mù
đôi cánh chim bay
trời mênh mông
sẽ có ngày em ơi!

Tuyết rơi
thôi tuyết đừng rơi
trái tim chẳng biết nói lời thở than...
Matxcova,16.11.1988

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

DÒNG SÔNG CỔ

Tặng họa sĩ P.H.T


Màu thời gian nhuốm mái tóc phất phơ
nao lòng ngọn gió
người họa sĩ trầm tư

Ông thao thức giữa khu rừng tranh tượng
giữa vô số viên sỏi mòn nhẵn
giữa thực và hư

Cõi nhân gian chừng cũng quá mong manh
sao ông yêu cái mong manh của cuộc đời đến thế
vũ khúc luân hồi
dâu biển

Hỉ-Nộ-Ái-Ố
ông tái tạo nỗi đời bằng chính cuộc đời
lặng im quá đỗi
sóng sánh điều chi trong chén rượu ngậm ngùi
bằng nhịp tim không đều
ánh mắt từ lòng phát sáng
sắc màu mộng mị
của đất và trời
của cỏ và cây
của hơi thở và máu
những sắc màu rất quen mà thảng thốt

Người họa sĩ ẩn mình trong dòng sông cổ
chảy dưới những tầng đá ngầm
ở đó có thật nhiều điều
ta chưa hề biết
và ta lảng quên...
1995

ĐIỆU LÝ KHÔNG LỜI

Nhạc khúc này quen thộc
điệu Lý Chim Quyên, điệu Lý Chiều Chiều
tiếng tranh thiết tha, tiếng độc huyền dìu dặt
tiếng sáo như có cánh vút lên trời

Nhạc khúc này
chừng Lý Ngựa Ô
nhịp vó thúc dồn đỉnh dốc
Lý Tình Tang vỗ trống ai cười
Lý Cây Bông hương thơm bay xa
Lý Kéo Chài cá tôm lách chách
Lý Giao Duyên trai gái thẹn thùng
Lý Thương Nhau thương hoài không hết
thủy chung năm tháng nhọc nhằn...

Điệu lý không lời
chẳng ai nói cùng ai
gió đưa trăng thời trăng đưa gió
trăng lặn rồi người có đưa nhau...
1995

CHUYỆN VỀ ÔNG HẮC HỔ

Kính viếng hương hồn ông.


Có một ngư ông không biết chữ
râu như rễ tre, tóc như lông nhím
da đen nhánh màu than đước Năm Căn
giọng nói vang rừng
tên ông nghe dễ giật mình:
Ông Hắc Hổ!

Con-Cọp-Đen hồi hai mươi tuổi
Tây bắt đày ra Côn Đảo mù khơi
chúng đánh ông như giần cá đuối
mặc bây, thử sức với đời

Lần đầu gặp những người Cộng sản
ông ngờ ngờ, rồi ông tin tin
chúng tra tấn ông Phạm Hùng, ông Lê Duẩn
Hắc Hổ xông vô ôm lấy đỡ đòn
ông đỡ đòn như cơm bữa
máu me bất tỉnh ngày đêm...

Cách mạng thành công
ông ra tù
ông Phạm Hùng, ông Lê Duẩn ra tù
Hắc Hổ về tận Cà Mau rừng đước
làm bạn với rượn đáy, giềng câu
ông Phạm Hùng làm gì, ông Lê Duẩn ở đâu
làm sao ông biết được

Đến gần bốn mươi năm sau
toàn thắng
ông Lê Duẩn về thăm mũi đất cuối cùng
chợt nhớ
người bạn tù không biết chữ năm xưa
(chịu những trận đòn sanh tử)
ông Hắc Hổ ở cuối con rạch ngoằn ngoèo rừng đước
canh nước lớn nước ròng
kiếm từng con tôm con cá

Hai con người gặp nhau
hai mái đầu phơ bạc
một Tổng Bí thư của Đảng
một ngư ông dốt nát xuềnh xoàng
ông Hắc Hổ cười rồi chợt khóc
ông nói thật nhiều bằng mắt
cả khu rừng lắng nghe
sông Cửa Lớn ào ào như cắt
chẳng ai dám chèo ngược nước

Rồi hai người chia tay
ông trở lại con rạch ngoằn ngoèo heo hút
ánh đèn cột đáy lắt lay
cùng tấm ảnh của ngày hội ngộ
(như báu vật, trong chiếc thùng sắt Mỹ
chẳng khoe với ai bao giờ)
hỏi ông, ông cười: Để nhớ!
buổi sáng ấy rừng xanh mơ màng
xa xa rì rầm tiếng biển
chén rượu thơm nồng niềm vui...

Đến bây giờ
thì ông Lê Duẩn đã mất từ lâu
ông Hắc Hổ cũng đã mất từ lâu
riêng chuyện này
lần đầu tôi mới biết...
1995

ĐÔI CÒ TRẮNG

Lông phùng đẹp như chùm tuyết
chiếc mỏ dài và mắt tròn xoe
nghiêng đầu tìm kiếm

đôi cò trắng khác nào đôi bạn
thành hai đứa trẻ mồ côi
chưa kịp đủ lông
đã chia lìa mẹ
sớm tối trong lồng

Người nuôi cò là ông già bạc phơ mái tóc
buồn vui mưa nắng cỏ cây
đêm đêm chuyện trò cùng gió
ông thương đôi cò như bạn
ông thương đôi cò như con
thoáng thấy ông
chúng chớp cánh mừng
tiếng the thé như trẻ con tập nói

Bây giờ
trong chiếc lồng nhỏ xíu
nhìn qua mắt lưới nhì nhằng
ôi cò,
có buồn ông già không
có giận ông già không

Ngoài kia
trời cao và xanh
ông già thử hình dung khi đôi bạn cò chấp chới
chỉ còn vệt trắng xa mờ
ông như bị nhốt trong chiếc lồng nhỏ xíu!

Ông thương đôi cò như bạn như con
thanh thản cò bay trong ánh mắt người
hay đâu làn tên mũi đạn...
1995

CON NAI THƠ TÔI

Tôi khuyên tôi
hãy làm thơ khỏa thân
để nhìn tận mắt những đường cong
có thật

Ừ,
thì thơ-khỏa-thân
chẳng ỡm ờ
ánh sáng soi vào trái tim
ngọn gió bồn chồn dậy sớm
những hạt sương long lanh
nụ cười biết thay lời muốn nói

Thơ khỏa thân
nóng
lạnh
khôn lường
đèn pha náo loạn
sân khấu được mùa hài
diễn viên chẳng cần hóa trang
hồi quang
thấy hết

Ngớ ra
giữa rừng già ngơ ngác
trước bao tay thợ săn lõi đời
tội nghiệp chú nai thơ tôi
trọng thương mấy lượt
suýt treo quán thịt rừng!

Mặt đất chông chênh
tôi nỡ trách tôi
khỏa thân phải đâu chuyện lạ
khỏa thân phải đâu chuyện đùa
thực hư cảm xúc

Thơ ơi,
đâu dễ là thơ
lối nhỏ vào rừng gai chông, lầy lội
dại dột chân trần
người thợ nghèo sinh nghề tử nghiệp
nuôi từng con chữ khát khao...
1995

THÁM HIỂM

Dò sông dò biển...

Ta lặn hết đáy sông đáy biển
gặp những rừng san hô như thủy cung
đàn cá muôn màu bơi lượn
con tiên, con phướn cao sang
con mực, con tôm tảo tần cực nhọc
con ốc, con hàu lặng lẽ rong rêu
con rắn loăng ngoăng luồn lách
đàn cá mập lừ lừ

Lần theo sông Amazôn, sông Nil
theo tàu Calypso
xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây Dương
ngược lên Nam Cực
xuôi dòng Cửu Long

Nhưng hình như
ta đã quên
những con sông và vùng biển rất gần
biết bao điều kỳ thú
biết bao điều đáng lo

Quả tình là ta rất ngại
vùng nước quá sâu, nóng lạnh thất thường
bất thần xuất hiện
những loài cá chưa từng biết sợ người

Thám hiểm
vẫn thường là vậy
chính cái biển lòng mình mới khủng khiếp làm sao...

XEM TRANH

Chẳng phải vì không có thời gian bước tới phòng tranh
chạm mắt đường nét sắc màu rất thực và siêu thực
bức vẽ hoa vẽ chim lắt lay trong vắt
bức vẽ người già cô đơn, trẻ con cù bơ cù bất
bức vẽ biển chập chùng
bức vẽ rừng nguyên sinh thành nghĩa trang cổ thụ
bức vẽ bầu trời thật xanh mây trắng dập dìu
và bức khỏa thân tột cùng thánh thiện

Cuộc đời đang bước vào tranh
bức tranh cõi người bất tận
hỗn độn, thực hư, tinh khiết
lọc sắc màu bằng ánh sáng thời gian
lắng nghe vời vợi...
1995

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

SỰ SỐNG

Ước gì muông thú, cỏ cây nghe được tiếng người. Để con người biết thương quý thiên nhiên như thương quý bản thân mình. Để con người biết sợ. Bởi tính ba hoa, kiêu ngạo và sự thông minh buồn cười, họ chỉ nghe được tiếng nói của chính họ, bằng những lời lẽ thô thiển cộc cằn. Họ có biết gì đến tiếng hót véo von của các loài chim chim và hương thơm, sắc màu của triệu bông hoa từ đất sinh ra. Họ có biết gì đến tiếng trở mình của cây lá đêm đêm và tiếng gió hú rợn người tràn qua cánh rừng chết trắng. Họ có biết gì đến hơi thở cầu cứu tuyệt vọng của những cánh đồng lũ lụt ở vùng đất cuối cùng này. Họ có biết gì...

Hỡi thiên nhiên muôn loài, hãy học cách như người, để biết được lòng dạ của loài động vật đẹp nhất và cũng đáng sợ nhất trần gian.

CÁM ƠN

Cám ơn nắng mưa
cám ơn lòng đất cưu mang
những hạt giống nhỏ nhoi im lặng

Cám ơn con người
biết quý sự sinh sôi
trồng những đóa hoa tâm hồn thơm ngát

Cứ thế
cầu mong con người
dễ thương

Cái điều nghe rất gần
mà đi mà bước...

CÁM ƠN

Cám ơn đất trời
cám ơn những hạt giống lặng im
đem đến bao mùa no ấm

Cám ơn con người
biết quý sự sinh sôi
cho những đóa hoa tuyệt mỹ
và những chùm trái nồng nàn

Cứ thế
cầu mong người biết thương người
để thương cuộc sống

Cái điều nghe rất gần
mà đi hoài, đi hoài...

CẢM XÚC CHIỀU

Chập chùng trắng như chiều sa mạc
gió nao nao thổi rát chân trời
ai sống chết linh hồn xiêu lạc
có màu hoa nào làm nghĩa trang vui!

vôi vừa quét như chung cư mới
mồ bên mồ - toàn hộ độc thân
người đông đúc mà sao không nói
đất phập phồng theo mỗi bước chân

vẫn gương mặt trẻ trung ngày ấy
nặng trĩu hành trang một tấm lòng
những đôi mắt hình như còn nhấp nháy
thức suốt đêm này trời đã hừng đông
*

Đường lầy lội ầm ào sóng bạc
ước mơ xanh chớp đỏ chiến trường
năm tháng buồn vui làm nên khúc hát
đất nước mình đâu cũng quê hương

đất nước mình mỗi năm thêm tuổi
tuổi các anh dành lại cho đời
ta lọc biển nhọc nhằn vị muối
lọc đau thương nghe các anh cười

Rưng rưng hoa đỏ chiều phơ phất
mờ khói nhang bay bạc mái đầu
trái tim nhịp có lẽ nào không thật
chiều xuống vội vàng như muốn khuất niềm đau!
1.12.1995

XA LẮM QUÊ TÔI

Quê tôi vẫn như ngày ấy
đường đất gập ghềnh, mái lá lơ thơ
ngọn đèn dầu hồn nhiên tỏa sáng
lắt lẻo cầu tre nắm níu đôi bờ

Quê tôi vẫn như ngày ấy
dừa nước xanh xanh, con rạch ngoằn ngoèo
so đũa trắng và bông súng tím
nồi canh chua thơm cá bống kèo

Quê tôi vẫn như ngày ấy
gió khuya khua lộc cộc mái rèm
khói vẫn khói lam màu xưa cũ
vị mắm đồng ai dễ gì quên

Quê tôi vẫn như ngày ấy
chiếc xuồng bơi theo dấu câu hò
bông sậy xám, bông bồn bồn cũng xám
người đi xa nghe đất dặn dò

Quê tôi vẫn như ngày ấy
chim chìa vôi tiếng hót mơ màng
lặng lẽ trước nhà nụ mai vừa hé
chợt ngỡ ngàng đặt bước sang xuân...
16.11.1995

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

TIẾNG TẮC KÈ

Không đêm nào con tắc kè không kêu
tiếng kêu hồn nhiên
rất quen mà lạ

tiếng tắc kè giữa khuya
thành hạt mưa đá
rơi xuống lòng mình
vừa đau vừa sợ

Tiếng tắc kè gọi ai
cầm canh nhẩn nại
ngoài trời lặng ngắt
hư ảo những vì sao

Khắc khoải chi con tắc kè trần tục
làm ta thao thức
làm ta phân vân
làm ta ngạt thở

Tiếng tắc kè
lởn vởn...
Sóc Trăng, 2.2.1996

TIẾNG CHIM BÌM BỊP

Vẫn chiếc mỏ đen đen màu than
và sắc lông hun hun màu lửa
ký ức chợt bùng lên

chim ơi, bìm bịp
những con rạch ngoằn ngoèo
nước ròng nước lớn
bần gie nhánh chao đưa như liễu
rừng dừa nước lao xao

tiếng chim trầm dài
âm âm cánh rừng
sau những trận bom, sau những trận càn
tiếng khóc thâu đêm

Nhớ
cồn cào quặn thắt
những miền quê xa, những miền quê gần
có còn chim bìm bịp
hình như tôi đã quên khi sóng vỗ ngoài vàm...
4.1996

DỌC ĐƯỜNG THƠ

.Chiến Tranh Và Thơ

Mảnh vườn như vạt áo bà ba
mấy mươi năm đạn bom cày nát
còn trồng được thứ gì
tôi gieo thử lòng mình xuống đó

.Ngỡ Hòa Bình

Mặt trận không tiếng súng
xao xác lá cành
chỉ có rễ là không rời đất

.Tranh Luận Thơ

Mặt trận là bài thơ có vần
cuộc đời là bài thơ có nhạc
đi dọc tháng năm nhọc nhằn cháy khát
phải biết tin vào trái tim

.Dấn Thân

Sinh ra trên đất khô cằn
như cây lúa ít mưa nhiều nắng
lần theo sông rạch ngoằn ngoèo
tìm về phía biển
hành tinh thơ huyền ảo
con đường thơ lầy lội bão giông
với đôi chân đất
cứ thế tìm thơ
Cuối 1995

HOA

Gió thì mặn
đất thì chua
lòng người chẳng mưa chẳng nắng
hoa còn biết mọc nơi nào?

Ngợp mắt những sắc màu
hoa vải, hoa nilong, hoa giấy
gió cợt đùa rung rinh cành lá

Tội nghiệp những con ong con bướm
bỗng phân vân chớp cánh nghi ngờ...
10.6.1996

DẠ LÝ HƯƠNG

Dài như những sợi tóc xanh
chằng chịt bao đêm không ngủ
lẫn trong lá màu hoa bỏ quên
vô hương trước ánh ngày

Khi đây đó mặt trời mỏi mệt
lặng lẽ trong đêm hương thơm, hương thơm
làm ta nhớ hoài...
10.6.1996

CON NGƯỜI

Mới biết con người khôn thật
khoét ruột cây làm mõ đánh chơi
tiếng mõ bay qua mấy cánh đồng

Mới biết con người giỏi thật
giết trâu lấy da làm trống đánh chơi
tiếng trống âm âm rung cả bầu trời

Mới biết con người
mà như chưa biết...
14.7.1997

CHIẾC LỒNG CHIM

Chiếc lồng đẹp
như ngôi nhà mới
tôi lùng mua khắp chợ cỏn con này
màu sơn rực rỡ
mặc sức đôi chim nghiêng ngó nhảy chuyền
như tình nhân trong "biệt thự chim"
cần gì rừng xanh, bầu trời và gió

Trẻ con trầm trồ
như khen một công trình kỳ diệu
đôi mắt chim mơ màng bí ẩn

Đợi và đợi
bỗng đâu chim hót tiếng người
tiếng người lạ lắm...
9.6.1996

KHÚC HÁT THANH XUÂN

Khúc I: Tự Nhiên

Như hạt mầm vừa nhú
những chiếc rễ đầu tiên
gặp đất phèn đất mặn
gặp nắng hạn chang chang
những chiếc lá đầu tiên
bão ùa về nghiêng ngã
nước lũ tràn mênh mang
rễ một lòng bám đất
lá vượt nước bền gan

Rồi những mùa trĩu quả
xanh màu xanh ngút ngàn
chim chuyền rung bóng lá
hoa đón mùa xuân sang

hỏi cây cây chẳng nói
hỏi gió gió thì thầm
đất và nước thách đố
sự sống cùng tháng năm
những buồn vui có nhớ?


Khúc II: Con Người

Một lần bước vào đời
ai chẳng như hạt lúa
nhỏ nhoi và rủi may
có hay đâu giọt sữa
mồ hôi máu đong đầy
cơm đói no từng bữa
mẹ xao xác heo gầy

như hàng cây mới lớn
biết che mát con đường
đàn chim giang cánh rộng
ngong ngóng nhìn đại dương
đêm ầm ào tiếng sóng
mây chập chùng bâng khuâng


Khúc III: Vô Giá

Cây đi qua đời cây
trời đất ban mưa nắng
người mấy đời có hay
tủi nhục và cay đắng
mất nước, kiếp trâu cày
đời cho ta có Đảng

Ngọn cờ như có lửa
gió thổi bùng đêm đen
còn đợi chờ chi nữa
dân tộc mình xông lên

đời ông tới đời cha
những bác, dì, cô, chú
căm thù dàn đội ngũ
mặt trận ngay trước nhà

nóp với giáo cất bước
tầm vông ra chiến trường
từ rừng tràm, rừng đước
từ vườn ruộng, phố phường

đường dài chân không mỏi
đêm sâu mắt dõi nhìn
bốn bề làm bão nổi
chiến thắng tự lòng tin

giặc Pháp rồi giặc Mỹ
xâu xé mảnh đất này
không lấy một ngày nghỉ
tay ta cầm chắc tay

thoát nô lệ trăm năm
non sông máu như thác
có bia nào ghi tạc
hết tấm lòng nhân dân

triệu tấm lòng của mẹ
triệu tấm lòng của con
triệu tấm lòng chồng vợ
triệu tấm lòng sắt son

Tổ quốc mà ta có
có lúc tưởng không còn
trong mơ chợt nức nở
ôi quý nào quý hơn


Khúc IV: Nhớ

Giữa đường hoa trăm sắc
hương ngậm ngùi xa bay
ngọn gió ru lời hát
nhắc ai người qua đây

xác biết bao đồng đội
xác biết bao đồng bào
lòng dân như còn dội
vào tim người bước sau

những trái tim trẻ quá
ánh mắt cười long lanh
tình yêu nào cao cả
để biến thành vô danh

Buổi sáng trời xanh ngắt
chợt làm ta giật mình
ngỡ bàn chân vừa lạc
ngẩn ngơ đưa mắt nhìn

*
Thưở xa lắc hạt mầm
biết mấy trời mưa nắng
những trái ngọt lặng thầm
mang ân tình sâu nặng

Tuổi thanh xuân nồng nàn
khát vọng và say đắm
ta bước đi vạn dặm
từ ngọn nguồn quê hương.
14.3.1996

Kỷ niệm 65 năm thành lập
Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh.

ĐIỆN BIÊN

Chiều xuống nhanh mà ngày tới chậm
lớp lớp núi non phì phà sương khói
màu trắng hoa ban thành màu trắng mây trời
lòng chảo Mường Thanh xanh ngát
dòng Nậm Rốm trong lành
lọc mòn sỏi đá

Điện Biên lạ lắm
ta nhìn ta hóa trẻ
như các anh ngày ấy đôi mươi

chằng chịt đường hào ký ức
trùng điệp dấu chân
tiếng cười rung núi
dây kéo pháo nối dài đất nước
vạn xe thồ còn đây
màu đá vẫn hồng hồng sắc máu
bia mộ chập chùng
tổ quốc muôn đời thao thức

Điện Biên lạ lắm
ta gặp ta rất xa
ta gặp ta rất gần
thấp thoáng những đỉnh đồi mù bụi
hoa văn tươi sắc bản làng
phân tích cỏ và phân tích gió
phân tích lòng mình gieo hạt tương lai
hương đất hương trời rung rung cần rượu
quyến rủ tiếng khèn bên suối thâu đêm
bịn bịn tan xòe lung linh ánh lửa

Ngàn vực rồi ngàn dốc
những cánh rừng đi hoài không hết
chùm phong lan tím biếc cheo leo

Chẳng phải Điện Biên thử sức
chẳng phải Điện Biên thử lòng
Điện Biên chỉ nhớ
Điện Biên chỉ thương
dài hơn triệu sợi mây, dài lắm
lấy trái tim làm nhịp hát đưa đường...
24.12.1996

KHOẢNG XANH

Tặng Bạc Liêu

Ngoài kia
ầm ào trắng xóa
biển như người trực tính
buồn vui thất thường

Trong này
tầng tầng phố chợ
cuồn cuộn sóng người
sắc màu chóng mặt

Chỉ còn lại khoảng xanh này thôi
mong manh vệt lụa
cây rừng nhẩn nại chờ xanh
ký ức chiến tranh khốc liệt
trái tim thao thức nhọc nhằn

Thiên nhiên khúc tráng ca bí ẩn
những con chim mới biết điều này
trắng trời cánh cò dậy sớm
rợp trời vạc thức thâu đêm

Khúc hợp tấu của sóng và gió
con người hoàn sinh
bước đi chập chững
thấy mình trẻ con hơn...
9.1997

SAU BÃO, MÙA XUÂN

Chưa kịp đỡ cây xoài cây mít
mái nhà che tạm nắng mưa
những bông hoa chưa hết bàng hoàng

Cơn bão đi qua
mùa xuân nhắc nhớ
biển rì rầm khơi xa
khúc tưởng niệm rì rầm trong gió

những cây đước cây tràm lại mọc
đàn chim vỗ cánh bay về
bão rớt vẫn còn đâu đó
những bông hoa hồn nhiên
bí ẩn vẫn xanh từ đất...

VỊ ĐỜI

Không hiểu vì sao chị không chết được
lẽ nào thuốc độc cũng đáng hoài nghi
linh hồn anh có thành chim thành bướm

Hai mươi lăm tuổi
hoang mang bến bờ
đứa con trai bập bẹ
chữ nghĩa không đầy lá mít, ai cần
chỗ dựa cuối cùng người chồng chết trận
đất Chùa Tháp trắng dã cánh đồng xương

Mù trời mưa giăng
liều
chị đi biển với chút lương khô son phấn
những tên đàn ông sư tử
cắn nát đồng tiền
nước mắt đắng nghét

Thất lạc âm dương
tóc sương len lõi
phao cứu sinh sóng cuộn
tội nghiệp hồn anh lang thang

Mặt trời nhú xa ngoài biển
ngước mắt chị lê từng bước...
14.11.1996

MÙA MƯA RẤT GẦN

Mù mù sương trưa
đường phố nhấp nhô ì ào như sóng
nối đuôi nhau những chiếx xe xa hoa xuôi ngược
những dòng người cơ cực lang thang

Em ngại bụi và em ngại nói
khẩu trang thành chiếc lá vô hồn
giữ chút màu xanh siêu thực
quá tải tình ca không nụ hôn thắm thiết
lời mỹ miều ô nhiễm
bông hoa kiệt sức
chiếc cầu vui xa lắc đôi bờ

Phù du tốc hành
chiếc lá nửa xanh nửa vàng rùng mình trước gió
em mang kính đen bỗng thành người xa lạ
giấu ánh mắt một thời long lanh
mồ hôi bây giờ mặn lắm

Những mái tóc hoa râm lặn lội
tìm hạt giống giữa lòng người

Ánh chớp tiếng rền bầu trời mây đen sũng
mùa mưa đang đến rất gần...
13.4.1999

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

NHỮNG CON QUẠ

Những con quạ trời sanh bỗng dưng biến mất
thiên nhiên buồn mất một loài chim
người tiếc ngẩn ngơ, người lại chợt mừng

Ai bảo những con quạ hôi tanh đã mất
màu sắc quạ bây giờ quang hợp từ sự đánh lừa đôi mắt
vẫn từng đàn nhởn nha
dễ gì biến mất
5.11.1998

VỊ ĐỜI

Trái ổi non chát ngấm
trái bưởi non rất the
trái cam non vô vị
trái quít non chua lè

Trái ổi chín ngon sao
trái bưởi vàng ngọt lịm
trái cam già thanh thao
trái sầu riêng thơm phức

Con người chua hay ngọt?
mình chỉ biết mình thôi.
23.10.1992

RỪNG

Rừng cũ xác xơ
đêm đêm gió hú
những con thú chẳng chịu bỏ đi
láu liêng ánh mắt
huyễn hoặc sắc lông
bước thấp bước cao trong vườn ảo mộng
đào hang dưới gốc bồ đề

Biển đông áp thấp
gió giật rợn người

Rừng trơ trụi chẳng còn gì nữa
những con thú chẳng chịu bỏ đi...
17.10.1999

PHÀ ƠI, GIÃ BIỆT

Bềnh bồng bềnh bông
trăm năm những chiếc phà Mỹ Thuận
giữa đêm mưa giông, giữa chiều lặng sóng
triệu xe qua và triệu người qua
cơ man gương mặt buồn vui
ngược xuôi tất bật

Cám ơn sông Tiền đưa rước biết bao mối tình cổ tích
những cuộc hẹn hò thủy chung
giờ giã biệt phà ơi, ngậm ngùi biết mấy
Mỹ Thuận chiều nay ai hát lý qua cầu...
28.10.1999

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

CÁM ƠN NHỮNG CHIẾC PHÀ MỸ THUẬN

Bềnh bồng bềnh bồng
những chiếc phà Mỹ Thuận trăm năm
vượt sông Tiền giữa đêm mưa giông, giữa chiều lặng sóng
triệu xe qua và triệu người qua
cơ man gương mặt buồn vui
ngược xuôi tất bật

Cám ơn những chiếc phà trăm năm
giờ thành cổ tích
giã biệt dòng sông thương nhớ ngậm ngùi
những con sóng nhấp nhô th2m thì ai háthồi ức
lý qua cầu xe vẫn nhớ mang theo...
28.10.1999

PHÚT HỢP LONG CẦU MỸ THUẬN

Từng ngày ta đợi
từng giờ ta trông
chạy qua sông Tiền trên chiếc cầu mơ ước
bằng đôi chân trẻ thơ đón tết
bằng đôi chân ngày xưa đi khắp chiến trường

Đêm nay
dòng sông thức sáng
cùng triệu người hồi hộp
đợi mẻ bêtông kỳ diệu nhứt trên đời
phút giao thừa tráng lệ
hồn thiêng tổ quốc ta yêu

"Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang*"
tiếng gió thổi qua cầu cũng khác
tiếng nước chảy qua cầu cũng khác
Cửu Long ơi, nối nhịp phút giây này...
28.11.1999

_______
*Lời bài hát Tiểu đoàn 307.

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

ÁM ẢNH LŨ

Lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long đã "thành mùa" tự khi nào, hỡi những trăm năm?

Như vòng quay nghiệt ngã, năm Rồng 2000 này lũ lụt cuồn cuộn đổ xuống vùng châu thổ, chừng như thiên nhiên muốn "mở mang" biển cả (!). Nước lên từng ngày, nước lên từng giờ từng phút. Nước tràn qua đê qua vườn, nước dìm những cánh đồng vừa mới ngậm sữa, mới vừa no hạt. Trẻ già trai gái phải lặn hụp mót từng mớ lúa non.

Nước ngập lênh láng những con đường. Nước lên lé đé hàng trăm ngàn mái nhà. Những con gà táo tác trên các lùm cây. Mặt đất đồng bằng đã thành sông thành biển. Những chiếc xe hai bánh, bốn bánh bất lực. Người đi bộ bất lực. Những chiếc xuồng bơi, xuồng máy lênh đênh mặt nước, cập nhà cập phố. Cư dân nhiều nơi di chuyển, tìm chỗ cao hơn một chút. Chỉ còn biết lo ăn lo ở và lo mạng sống. Người già, trẻ con sẩy chân khác nào rơi xuống biển. Đã có đến mấy mươi người chết đuối. Mà chết cũng chưa thể yên thân, có người không tìm được xác. Những chiếc quan tài phải tạm để trên giàn cây xốc tréo. Vậy mà nước cứ lên, cứ lên như một sự nhẫn tâm khủng khiếp. Gió mưa và sóng lớn hợp mưu. Sóng ầm ập trắng xóa những cánh đồng diệu vợi. Hàng trăm trường học còn ló chút cửa, chút mái như người sắp chết đuối cố sức ngoi lên. Các cháu phải cùng cha mẹ, anh chị ra sức giăng câu, bắt ốc, hái rau kiếm sống qua ngày. Mùa bông điên điển chưa kịp nở vàng để phụ thêm bữa ăn đắp đỗi.

"Một nắm khi đói"...Đồng bào trong nước và cả những tổ chức từ thiện nước ngoài đã mang đến tấm lòng ấm áp, cứu trợ cho từng gia đình trong cơn khốn khó. Với các đơn vị bộ đội, mệnh lệnh cao nhứt lúc này là phải hết lòng bảo vệ và cứu giúp nhân dân.

Thương biết bao với một Trung Thu hiu hắt cho trẻ em đồng bằng, nhứt là trẻ em ở vùng lũ nặng. Không mấy nơi trong đồng sâu còn được ánh điện. Đèn dầu gió tạt và ánh trăng khi mờ khi tỏ như gương mặt chị Hằng rưng rưng nhìn đàn em yêu quý của mình. Nói chi đến chiếc lồng đèn xanh đỏ, những trò chơi và chiếc bánh thơm ngon.

Lũ và lụt. Cái chu kỳ ấy là bao nhiêu năm? Chừng như càng ngày nó càng siết nhặt lại. Người ta nói đây là năm đỉnh lũ cao nhứt trong vòng 40 năm qua. Liệu rồi năm sau, năm sau nữa, đầu thế kỷ 21, đỉnh lũ có thấp hơn không?

Tuy vậy, không ít người bảo lũ vẫn có lợi và lợi rất nhiều. Ở chỗ, nó bồi đắp cho đồng ruộng một lượng phù sa đáng kể, làm trẻ lại đất đai. Nó còn khuyến cáo con người, bằng cách tẩy rửa nhiều loại thuốc trừ sâu nhiễm thâm lòng đất. Nhưng thử hỏi, cái lợi ấy thấm vào đâu so với những gì đã tổn thất, đó là chưa nói đến tánh mạng con người. Cứ tạm gộp lại, mỗi năm lũ ập về, đồng bằng này phải chịu mất hoang ngàn ngàn tỉ đồng. Bao nhiêu nhà cửa, cơ sở hạ tầng hư đổ, bao nhiêu trường học đóng cửa. Qua lũ rồi, ai ai cũng gấp rút lo toan ổn định cuộc sống cho cính mình và bà con làng xóm. Lại ngàn ngàn tỉ đồng đổ ra. Rồi nỗi ám ảnh, liệu mùa sau lũ đến sẽ thế nào?

Ai cũng biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long, không cách nào khác là phải bám lấy cánh đồng của mình để từng bước dựng xây và phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhưng mỗi năm lại phải đương đầu với lũ lụt thế này thì giải đề cho bài toán phát triển nhanh,chắc chắn sẽ hấp dẫn biết bao trí tuệ của những con người tâm huyết.
22.9.2000

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

TƯỢNG ĐÀI THƠ

(Nhân kỷ niệm 266 năm Tao đàn Chiêu Anh Càc - Hà Tiên)

Hằng năm, cứ đến rằm tháng giêng, kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các,lòng mỗi chúng ta không khỏi ngậm ngùi và nghĩ ngợi sâu hơn ý nghĩa ra đời của một sự kiện văn học ra đời ngay trên mảnh đất Hà Tiên, cách nay 266 năm.

Trong hoàn cảnh đất nước hồi ấy khó khăn trăm bề, chẳng những đối với kẻ thù, ngoại xâm mà còn phải đương đầu với thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt - thế mà các bậc tiên nhân chúng ta đã sớm nghĩ và dựng nên một Tao đàn Văn học mà tiếng vang của nó đã vượt rất xa vùng đất. Cho thấy, tự thân văn hóa nghệ thuật bức xúc biết chừng nào đối với đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân hãy còn hết sức mới mẻ, ít ỏi và thưa thớt ở vùng Trấn Giang rộng lớn ngày ấy.

Ánh trăng văn hóa lung linh từ Tao đàn Chiêu Anh Các vẫn sáng rời rợi đến hôm nay, là niềm tự hào cho mỗi chúng ta là người Hà Tiên, là người Kiên Giang, là người miền Tây Nam Bộ. Tiếc thay, những di sản quý báu của Tao đàn còn lưu giữ được đến hôm nay thật ít ỏi. Biết làm sao, khi chiến tranh liên miên, mạng người ngàn cân treo sợi tóc.!

Một lần, cách nay 5, 7 năm, theo đoàn làm phim tài liệu về Hà Tiên, tới thăm chùa Phù Dung, tình cờ tôi bắt gặp hai chiếc đôn bằng đá - thứ đá Hà Tiên màu ngà ngà rất đẹp. Ông Trương Minh Đạt, nhà "Hà Tiên học" bảo đó là những chiếc đôn còn lại của Tao đàn Chiêu Anh Các.. Như một điều kỳ diệu, tôi bỗng nghe thấy từ những chiếc đôn ấy có hồn. Rồi hình dung các cụ ngày xưa ngồi, đứng, đi lại, quay quần trò chuyện trong một tao đàn rất đỗi nên thơ: dưới kia là biển, xa nữa là đảo lớn đảo nhỏ xanh mờ, ầm ào tiếng sóng, nhấp nhô những con thuyền thả lưới buông câu; trên này là rừng núi lượn quanh,lấm tấm sắc hoa và trong trẻo tiếng chim tìm bạn. Theo cách gọi ngày nay, Tao đàn Chiêu Anh Các là Câu lạc bộ thơ ra đời sớm nhứt ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Với tôi, những chiếc đôn đà Hà Tiên ấy là báu vật, chứng tích đầy xúc động cho vùng đất xa xôi này của Tổ quốc Việt Nam, từ mấy trăm năm trước đã sớm biết coi trọng cái không thể thiếu được của con người là văn hóa.

Tôi ao ước, bằng cách nào đó chúng ta sớm xác định lại vị trí cụ thể của Tao đàn Chiêu Anh các, để từ đó xây dựng một văn bia trang trọng và cụm tượng đài thơ bằng chính đá Hà Tiên. Trước mắt, trong tầm tay các nhà lãnh đạo Hà Tiên - Kiên Giang, có thể làm một phim tài liệu về Tao đàn Chiêu Anh các - Tao đàn văn học chói sáng đất Hà Tiên xưa và đất miền Tây Nam Bộ hôm nay, để giới thiệu với cả nước, rằng cách đây 266 năm ở tận vùng đất biên thùy này có một vị tướng là Mạc Thiên Tích đã khởi xướng, lập nên một Tao đàn như thế. Vị tướng ấy chính là nhà thơ tài hoa, tác giả của "HÀ TIÊN THẬP VỊNH", đã trở thành quen thuộc với bao thế hệ muốn tìm hiểu lịch sử Hà Tiên.
Mười sáu tháng giêng Nhâm Ngọ,2002

VƯỢT CẦU MỸ THUẬN VÀ VƯỢT

"Tôi lột dép đi chân không qua cầu, rồi lấy tay rờ vuốt từng sợi dây văng thiệt bự, mới đã...".Một lão nông ở chót mũi Cà Mau hả hê nói như vậy hôm cùng với nhiều người "bao xe" đi dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận. Tiếng "đã" mà ông già hồn nhiên nói, biết phải diễn tả như thế nào cho đầy đủ ý nghĩa.

300 năm. Thôi thì cứ tạm lấy cái móc tròn số ấy kể từ khi người Việt đầu tiên có mặt trên vùng đất nê địa, chằng chịt sông rạch này cấy cây lúa nước và lần dò ra biển bắt con cá con tôm. Phải từ đó, người châu thổ với tháng tháng năm năm vượt qua gian khó, vượt qua mất mát hy sinh, đến tận hôm nay mới có được chiếc cầu vượt sông Tiền. Ấy là chỉ mới vượt qua một trên chín nhánh Cửu Long chập chùng sóng gió. Không biết vậy là sớm hay đã muộn đến bao nhiêu lâu? Chiếc cầu Mỹ Thuận là phần thưởng quý giá, như chiếc mề đai vàng ròng nặng trĩu gắn trên ngực của mỗi người đồng bằng. Đó còn là tín hiệu vui cho vùng đất chấp chới cánh hạc về...

Dòng sông mà sự sinh tử vượt qua trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã thành khúc ca hùng tráng,thách thức bao người."Ai vượt Cửu Long Giang/Vững chí lướt sóng ngàn*". Giờ đây sau một phần tư thế kỷ đất nước yên bình, cầu Mỹ Thuận đã lồng lộng trên nền trời xanh trong bồng bềnh mây trắng mà ngỡ như vẫn còn đâu đó trong giấc mơ.Rồi vài năm tới đây, cầu Cần Thơ cũng sẽ bắt đầu, những nhịp bêtông ung dung băng mình qua sông Hậu và trăm sợi dây văng cao vút sẽ nối mặt đất với bầu trời. Chiếc cầu sẽ thơ mộng biết bao khi nó lượn giữa dòng xanh mênh mông,lướt qua cồn Ấu, xóm Chài thơm lừng hoa trái, bát ngát lòng người khát đợi. Đến khi đó có lẽ cầu Cần Thơ mới chính là chiếc cầu đẹp nhứt và dài nhứt nước mình.

Để hoàn thành cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ, tính ra mỗi công trình hoành tráng giàu chất thẩm mỹ này phải mất một khoảng thời gian không phải quá dài. Bước nhảy vạn dặm của chiếc hài công nghiệp hiện đại như có phép lạ.

Nhưng để có được vận tốc lớn, đồng bằng sông Cửu Long còn phải đồng hành xây dựng những chiếc cầu bức xúc khác, những chiếc cầu mà tầm cỡ và chi tiết kết cấu vật thể và phi vật thể phải hơn gấp nhiều lần cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ. Đó là Chiếc Cầu Xóa Đói Giảm Nghèo, Chiếc Cầu Khoa Học Kỹ Thuật Tiên Tiến và Chiếc Cầu Dân Trí Cao... Cần bao nhiêu thời gian, cần đến chừng nào tư duy và tiền của chúng ta mới xây được những chiếc cầu thực sự bắc qua triệu triệu lòng tin. Từ bây giờ, có lẽ nhiều người chỉ mới hình dung được phần nào diện mạo phức hợp của nó chớ chưa có được những chỉ số về các điều kiện tinh thần và vật chất. Nhưng chắc chắn, trong tương lai của đầu thế kỷ mới, từ cầu Mỹ Thuận, từ cầu Cần Thơ, những chiếc cầu huyền diệu của lòng người ở đồng bằng này sẽ được xây dựng đàng hoàng, đủ sức vượt qua thách thúc.
6.2000

*Lời bài hát Du kích Long Phú của Quốc Hương.

NHỮNG THÁNG NGÀY NÀY

Đếm từng ngày, ta tiếc từng ngày. Sao thời gian cuối thế kỷ này đi nhanh quá đỗi. Mùa hoa của tết con Mèo còn phảng phất hương thơm thì mùa hoa của tết con Rồng đã lung linh rực rỡ sắc màu trên những dòng sông, bến chợ gần xa.

Dầu những ngày cuối năm mưa gió vẫn còn thất thường đây đó,như một lời nhắc nhở nghiêm khắc của thiên nhiên, nhưng sức xuân vẫn tràn đầy khắp nẻo. Những mai trắng mai vàng, những thược dược, hồng nhung, những phong lan, cẩm chướng...Con người yêu hoa vì vẻ đẹp kỳ bí của nó đã đành,như mong niềm vui luôn có mặt trong nhà ngoài ngõ. Con người yêu hoa cũng chính là cầu phước lành, gia cảnh an khang và xóm làng yên bình thịnh vượng.

Tết này, cùng vui với con Rồng Canh Thìn, đồng bằng sông Cửu Long còn có thêm con rồng đẹp tuyệt vời từ nỗi mơ ước bao đời của lòng người: Con Rồng Mỹ Thuận đã trườn qua đôi bờ sông Tiền lộng gió,lắng nghe tiếng đất tiếng người thao thức. Con Rồng ấy chắc là thiêng lắm, đang cất cao đầu thôi thúc cả vùng châu thổ xa xôi này nhanh nhanh cất cánh.

Đã có nhiều niềm vui, nhưng châu thổ Cửu Long hãy còn nghèo lắm. Và còn biết bao nỗi khát khao kỳ vọng. Có bay lên, Vùng Đất Rồng mới soi được bóng mình trên dòng sông huyền thoại. Trăm năm nhọc nhằn nuôi dưỡng tâm hồn ta khôn lớn, đi suốt mấy cuộc chinh chiến trường kỳ, xây dựng tương lai trên đống tro tàn của đau thương mất mát. Mầm xanh cường tráng vẫn đủ sức vươn lên, để xoài cát Hòa Lộc, bưởi năm roi Cái Vồn, sầu riêng Cái Mơn, mận hồng đào Long Tuyền, nhãn da bò Vĩnh Châu... lại đung đưa những chùm trái ngọt.
Xuân Canh Thìn, 2000

25&2000!

Như mới vừa đây thôi. Vậy mà đã 25 năm rồi, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Một thế hệ người hoàn chỉnh về thể lực và trí lực đã hình thành.

Có một sự khớp khang hết sức thú vị: tuổi 25 và năm 2000. Chừng như lịch sử và thời gian đã dành cho ta đến hai thập kỷ rưởi để mình-biết-mình hơn và nhìn xa bầu trời vô tận. Nhân loại gần gũi, cởi mở và thân tình, nhưng nhân loại cũng khá xa lạ, bí ẩn và hư thực. Ấy là thời gian và thực tế đã dạy cho con người biết bao điều để con người bớt tự ti và kiêu ngạo.

Thừa hưởng tinh chất đó hơn ai hết có lẽ là lớp tuổi hai-mươi-lăm, lớp tuổi đúng vào thời điểm cuối cùng của thế kỷ hai mươi và dọn mình bước sang thế kỷ hai mươi mốt. Các thế hệ trước đã đi đến tận cùng của cuộc chiến tranh tàn khốc để giành lấy độc lập tự do cho đất nước, thì ớp trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình hẳn nhiên sẽ nhận ra sứ mạng của mình thuộc về hiện tại và tương lai - một cuộc chạy tiếp sức trùng điệp đầy hào hứng và thách thức.

Hai mươi lăm năm! Đủ cho ta nhận biết thế nào là nhân - quả và thấm thía khôn cùng lời của Nguyễn Trãi:"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Hình như ở phần tư thế kỷ này tóc nhiều người đã bạc đi nhanh quá. Chính vì thế nên mặt đất đã dốc sức hồi sinh
màu xanh bất tận, màu xanh của ruộng đồng, cây trái và màu xanh kỳ diệu của lòng tin; đất nước sẽ vượt qua bão táp dọc theo con đường khát vọng ấm no, hạnh phúc. Quả thật, hiện thực đang ngày một sáng dần như bình minh của quy luật sinh tồn.

Tuy còn hạn chế không ít về dân trí, về cơ sở vật chất, nhứt là đội ngũ trí thức, khoa học, nhưng sau 25 năm hòa bình mò mẩm dựng xây, diện mạo Đồng bằng sông Cửu Long đã khác đi rất nhiều với biết bao sắc màu mới mẻ đáng yêu, một đồng bằng khôi ngô sung sức. Đã thấy chằng chịt những con đường đất đỏ, bêtông,trải nhựa xa lắc về nông thôn hẻo lánh. Đêm đêm ánh điện lấp lánh tận vùng sâu rừng tràm rừng đước,hắt lên vòm trời những cù lao dọc sông Tiền sông Hậu.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đầy tự hào về lớp trẻ Hai Mươi Lăm của Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay. Bởi những thay đổi về đời sống tinh thần và vật chất ở vùng đất này có phần trí lực cường tráng của họ góp vào thật đáng kể. Nhưng còn đáng kể hơn là ở thời khắc giao thừa năm 2000, họ càng tự tin, với khối óc thông minh và tấm lòng tận tụy để bước sang thế kỷ mới, đẩy nhanh tốc độ phát triển vì một Đồng bằng sông Cửu Long giàu đẹp và văn minh.
Tháng Tư năm 2000.

HOA TẾT

Ngớp mắt là hoa
vạn thọ vàng và cúc rực vàng
hải đường đỏ, hồng nhung thắm đỏ
cẩm chướng tím đợi chờ ai đó
phong lan mà mượt mong manh
cát đằng đung đưa ngát xanh
trắng quá hương lài thơm trong gió
hoa rất quen và hoa rất lạ...

Bonsai - kiểng thế điệp trùng
mai, sứ, trúc, sung, ngâu, trắc, liễu, tùng
chiếu thủy, bằng lăng, ngọc lan, nguyệt quế
lủng lẳng cành những bưởi những cam
hai mươi năm, ba, bảy mươi năm
cây trăm tuổi và cây quên tuổi
thấp thoáng chút rừng chút núi
cây có tên và cây không tên
như vừa khảo cổ tìm lên
như từ mặt trăng đưa tới
trơ gốc, nghiệt cành, xanh meo, cằn cỗi
dầu thời gian lang thang thực hư

Hoa chật đường ngã ba ngã tư
chen chúc bàn chân nghiêng ngã
thao thức bông hoa vật vã
thương đời một thoáng phù dung
lặng lẽ đêm quỳnh khuya khoắc thủy chung
nhẫn nại xương rồng đợi nắng

Người gieo hạt mong chờ năm tháng
chợ hoa bồng bềnh bao nỗi buồn vui...

SẼ GẶP MÙA XUÂN

Ngỡ những vườn cây trồng trên mặt nước
xuồng ai bơi lạc giữa phố phường
đồng bằng hóa biển trong chiều
thương tiếng gà trên ngọn tre gọi sáng

nước lên như cắt, nước lên
lặng lẽ và quyết liệt
cọng bọng súng cứ dài, dài đến lạ

ngày gió lốc
đêm nước chảy rung rinh sàn nhà
trở giấc trẻ con ú ớ

Lục bình tím nhấp nhô trôi mãi
điên điển lắt lay như bướm rực vàng
thiên nhiên sinh tồn dạy ta bài học
vượt lên rồi sẽ gặp mùa xuân...

HẠC VỀ

Không về trời
hạc trở lại cùng ta
mênh mông đất này Đồng Tháp

chiến tranh đi qua
cánh đồng quặn thắt
huyễn hoặc lạ thường cánh hạc bay

xanh xanh rừng tràm trong sương
như không mà thật

Linh cảm đất
linh cảm người
linh cảm bình yên
lắt lay bóng tối

Vũ khúc thiên nhiên
đàn hạc bồng bềnh
thui chột rễ mầm tai ác
niềm vui thao thức đâm chồi
đêm trôi trên dòng sông nhớ

Như xa xăm tiền sử
hạc tìm ta hay ta tìm hạc
một đời dễ gặp được nhau

Sứ giả cửa đất và trời
hạc mang đến cái mong manh bí ẩn
sâu thẳm tiếng gọi người...
Mùa hạc về,1996

TRĂM DÂY NỐI ĐẤT VÀ TRỜI

Như con Rồng bay qua sông Tiền
sà xuống đôi bờ xa lắc
lồng lộng ngang trời ánh bạc

Mỹ Thuận đâu là trong mơ
người qua cầu vui như trẻ thơ
trời xanh quá và mây trắng quá

Sông dài đêm xưa xa xăm
lặng lẽ mái dầm mũi súng
máu hóa phù sa bồi lắng
mượt mà vườn bưởi vườn cam

Người qua cầu đặt nhẹ bàn chân
nghe hết bao điều mơ ước
nghe tiếng thì thầm của nước
thẳm sâu lòng đất nói gì

người qua cầu nào phải chia ly
lòng náo nức sao lòng bỗng nghẹn
nghe gió, gió như vừa mới đến
nắng xôn xao giữa sáng xuân này
vườn xa mai vàng vừa nở

ngắm dòng sông bỗng gặp chính mình
vầng trăng ký ức lung linh
con sóng rì rầm thao thức

Mỹ Thuận đẹp như đàn thập lục
trăm dây nối đất và trời
nối trái tim liền với nỗi đời
đất nước cùng ta qua đó...
17.10.1999

THĂM THẲM TỪNG GIỜ

Trăm ngàn nóc nhà chới với
biển nước ầm ào
đồng lúa mất tích
gặt lúa khác chi mò ngọc

Đồng bằng Cửu Long
nước bây giờ là giặc
tra tấn từng ngày

sáng qua mực mước Tân Châu vượt báo động ba
chiều nay mực nước ở sông Vàm Cỏ...
tin thủy văn bàng hoàng
gió lốc, nhà sập, đê vỡ
đâu những bến bờ thân quen
đâu những con đường trong vườn ngoài phố
cành nhãn, cành cam thảng thốt
người già, con trẻ sẩy chân
những cái chết làm bầu trời trũng xuống
trắng đêm nước mắt đầm đìa

Gió hú rợn người
sóng đập xoáy vào chỗ mong manh trái tim
tấm lòng cả nước

Năm mươi ngày
rồi một trăm ngày
nước ở Tân Châu vẫn trên báo động ba
nước sông Vàm Cỏ
thăm thẳm từng giờ

Lại một lần thiên nhiên thách đố
lương tâm đồng loại...

Mùa lụt lớn năm 2000

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

NGHĨ VỀ THƠ

1.
Có thời thiếu gạo triền miên
ngộ nhận cao lương thành bài hát
ngộ nhận xanh xanh vườn cây ăn trái
ngộ nhận mênh mông biển bạc rừng vàng

Giá ngộ nhận chừng như quá đắt
cháy rát vận nghèo
thơ thành nhu yếu phẩm
mọc đầy như nấm sau mưa

thơ chân phương và thơ trau chuốt
thơ cười cợt và thơ âu sầu
thơ cầu kỳ và thơ đánh đố
đời sống rất gần mà thơ ở đâu
những dòng khen chê đua nhau lạng lách
ỡm ờ pháo bông

Rồi cũng đến hồi đối mặt
cơ man xác chữ vô hồn
gương mặt thơ dị dạng
chẳng kết cấu hạ tầng
tội nghiệp những bài thơ vô gia cư
con chữ lang thanh bệnh hoạn

2.
Như người
thơ sinh nở từ nỗi buồn nỗi khổ
quay theo chiều vô thức nhân sinh
men chữ ướp nồng nàn ngọn cỏ
từng bông hoa, viên đá bên đồi
sợi thao thức kết điều quen cũ
tìm-số-nhà-thơ đầy cảm xúc tạt vào
lởm chởm dọc đường ta với
từng đóa thơ sực nức mồ hôi

3.
Ám ảnh trong mơ những cánh đồng cao sản
(thương vô cùng thời mong được ăn no)
nuôi lủ khủ heo gà, ba ba, trăn, sấu
biết bán cho ai?
nhà thơ học được rất nhiều ở nhà kinh tế
mỗi câu thơ phải có giá tâm hồn

Đem chút mặn đời mình bỏ biển
biển làm nên hạt thơ muối cho mình...
2001-2007

CÓ MỘT ÔNG CHỦ TỊCH Ở ĐỒNG BẰNG CỬU LONG

Quê ông có núi có đồng
xa xa bên này biên giới
lúa nhiều mà cá cũng nhiều
cá ba sa làm cá nheo hoảng hốt
cá ba sa thành tượng dựng xem chơi

Ông là nông dân chánh cống
thương quý đất đai như bạn bè
đất xấu, hay người chưa giỏi
hỏi ai, hay hỏi chính mình?

thao thức thành người mất ngủ
tìm ra chất xám cho đồng
hạt giống theo người rạo rực
nẩy mầm góp những mùa vui
triệu tấn rồi hai triệu tấn
nhớ ngày Tức Dụp, Cô Tô
hạt gạo phải đổi bằng máu
củ rừng lót dạ thay cơm

Bây giờ xuôi về cù lao
vòng vèo ngược lên Bảy Núi
trăm ngả xe đi xe đến
đám cưới qua cầu dòng sông sóng sánh
điện sáng vùng sâu ngỡ ánh sao gần

Ông Chủ tịch này
chánh gốc nông dân
tuổi nhỏ cấy cày trên đồng Vĩnh Tế
thả lưới giăng câu bưng rạch gần xa
mở mắt gặp mùa nước nổi
bướm bay điên điển rực vàng

Rằng
gian nan thì thật gian nan
đâu phải "lộc trời" không có
phù sa về trăm thứ cá về theo
mùa dân nghèo dầm mình kiếm sống
mùa làm giàu từ...nước cũng là đây
xin đừng để đương đầu với lũ
bởi lũ hung hăng, còn nước nổi hiền hòa...

Ông Chủ tịch thẫn thờ
giờ lại lo xa
ông bỗng sợ cái "bấm nút" cái "a lô" nhạt nhẽo
người với người ngại tới thăm nhau
cha cách con hàng ngàn cây số
nhấc ống lên đã nghe tiếng con cười
(nhưng hiếm có bữa cơm gia đình ấm áp)
mà người nhớ nhớ quên quên

Vô cảm thành trò bởn cợt
hiếm gặp vầng trăng sau rặng tre vườn
sống chết một thời bạn bè thưa thớt
mặt trăng đủ màu trên vi tính lạnh tanh
bấm thỏa thích
và ta lơ đễnh
lưu giữ được gì thưở Tức Dụp, Cô Tô
tìm đâu ra ngày máu thắm đỏ cờ
trái tim đêm dài giữ lửa

Ông Chủ tịch giật mình, bỗng nhớ
lẽ đâu nước chẳng có nguồn
lẽ đâu con chim lạc đường về tổ
lẽ đâu ta chẳng biết buồn!
6.3.2003

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

BÃO Ở VĨ ĐỘ THẤP

Cuộc chiến tranh thiên nhiên tàn khốc
tràn qua đất này
ầm ầm biển Tây
triệu người không kịp trở tay

Trăm ngàn ngôi nhà sập nát
ngàn thuyền đánh cá tan tành
ngàn người biệt vô tăm tích
đàn ông đi biển mồ côi...

Đêm lạnh buốt và ngày nắng cháy
trùng trùng dấu chân
của mẹ của cha của con của vợ
sâu nhẫm bãi lầy
ngóng từng con sóng
tiếng khóc gào vang chín tầng mây
nước mắt mặn thêm nước biển
phút chốc một đời tang tóc!

Gió đâu chỉ mơn man
sóng đâu chỉ lăn tăn cho con thuyền mơ mộng
đừng lẫn tên bão Linđa dịu dàng như tên con gái
Linđa đánh lừa ta ở vĩ độ thấp
Linđa đánh lừa ta giữa đêm đen mịt mùng
Linđa đánh lừa ta hờ hững

Cơn bão đi qua
đêm đêm tiếng nấc
trôi dài theo vĩ độ đau thương...
11.11.1997

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2007

DỌC ĐƯỜNG VÒNG CUNG

(Nhớ xuân Mậu Thân 1968, Cần Thơ)

Hình như mỗi năm những cây mai nhiều hơn
hình như mỗi mùa xuân hoa mai nở nhiều hơn
màu vàng rực làm ta chợt nhớ
giao thừa năm ấy
Vòng Cung

Vòng Cung xanh dài ký ức
nao trời tiếng gió tiếng chim
con rạch lượn giữa vườn xưa lặng chảy
đung đưa chùm trái mơ màng

Con đường nào mở mũi hành quân
công sự bên gốc mận hồng đào không còn dấu vết
Vòng Cung bình yên quá đỗi
Vòng Cung huyền thoại anh hùng
hợp lưu Cửu Long chảy xiết
Mậu Thân bất tử mùa xuân!

Quần thể tượng đài cao cao lẫm liệt
trong mỗi tấm lòng rướm máu Cần Thơ
đủ hết bạn bè, đồng chí
những đưa con từ mũi Cà Mau
từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá
những đưa con làm thép lửa tiến công
những đứa con đời đời ở lại
làm màu xanh, làm tiếng gió tiếng chim
làm những cây mai nhớ mùa xuân đến
nở hoa vàng cho cuộc đời vui...

CHIẾC CHÌA KHÓA VÀ...

Anh là thợ
thợ sửa khóa
và làm chìa khóa
những ổ khóa lâu năm
những chiếc chìa biến mất

Bụi sắt bụi đồng
vàng thau lẫn lộn
anh đo
anh giũa
những viên bi mòn nhẵn
những viên bi đã vỡ
ổ khóa to kềnh
ổ khóa nắm tay
ổ khóa tí ti
ổ khóa

Anh giũa

nheo mắt
đo
lắc lắc chiếc chìa giữa đường rãnh hẹp
lặng tanh
tiếng lách cách của cái chìa vô dụng

Mày mò
lại giũa
đến khi khóa bật
xế dài
như người xuống dốc

Hàng chục hàng trăm hàng ngàn
hàng ngàn chìa cho hàng ngàn ổ khóa
giản đơn, kỳ bí

Xin đừng lộn chìa
xin đừng đánh mất
mà ta vô ý làm sao
bởi còn triệu ổ khóa chưa có người mở được
triệu ổ khóa rất quen mà lạ...
8.8.1991

HẠNH PHÚC ĐỜI SÔNG

Cầu Mỹ Thuận
như chiếc vòng nạm bạc
mang vào tay cô gái sông Tiền
cánh tay tiên bao đời tần tảo
trải thảm xanh mênh mông đồng bằng

Cầu lượn mềm như một nửa vầng trăng
bắc qua trăm năm chờ đợi
bắc qua diệu vợi ước mơ

Dòng sông rì rầm ký ức tuổi thơ
lục bình tím trôi theo thương nhớ
sóng lách tách như chừng thách đố
hàng cây xa oằn cánh chim bay

Bàn chân bây giờ chạm tới tương lai
xe lướt nhẹ qua cầu lộng gió
chợt nhớ quá ngọn đèn dầu nhỏ
thắp niềm tin bằng trái tim mình
máu đổ bến nào, bao lượt hy sinh
mà hoa trái đôi bờ thơm ngát

Xe vun vút, ai cười ai hát
lục bình lặng lẽ như xưa
cành điệp vào hè đỏ thắm đung dưa
mùa mưa đến cho vừa xanh đất

Cầu Mỹ Thuận xe qua lần thứ nhứt
khai sinh hạnh phúc đời sông
mặt trời châu thổ Cửu Long
thấp thoáng xanh vườn buổi sáng
5.2000

NHỮNG MÙA NƯỚC NỔI

Thấp thoáng chấm xanh
bốn bề mênh mông nước
chấp chới con người giữa biển
lách sóng mà đi
xuồng máy, xuồng bơi gồng mình
thiên nhiên thắt lòng

Nước lên
cuồn cuộn nước lên
lạnh lẽo rùng mình
áp thấp
gió hú
liêu xiêu
chống đỡ mái nhà
đói và rách
mò từng ngọn rau, con ốc
nắng mưa cháy tóc
cái nghèo tưởng chừng chuyện bịa

Cây lúa trời huyền thoại
cọng bông súng phượt dài trắng phau
cuộc vật lộn trăm năm quyết liệt
đất - nước - con người
ba bên thương lượng

tôn vinh con người
bằng trí khôn và lương tâm
hoạn nạn, đói no đùm bọc
dựng đảo xanh như chim làm ổ
vườn trái đong đưa no ấm theo về
tiếng gà gáy thảnh thơi cánh đồng rạng đỏ
những mùa nước lên trôi hết nỗi buồn
những mùa nước lên phù sa óng ánh
bông hoa kết nụ chờ xuân...

Lại một mùa lụt lớn, 2001

VỚI THƠ

...Với tôi, Thơ thực sự là nỗi ám ảnh. Nhiều lúc cứ tự hỏi thơ là gì? Làm thế nào để viết được một câu thơ hay, một bài thơ nhiều người đồng cảm? Hay thơ chỉ là sự cô đặc, mã hóa thành những tín hiệu, cần phải có chìa khóa của sự rung động và "tri thức khác" mới thưởng thức được? Vậy thì thơ cần cho ai? Rồi bỗng hoang mang, thấy chữ nào, câu nào trong thơ mình cũng cũ mèm, lê thê.
Tôi nhận ra một điều, chúng ta đang tồn tại trong một hiện thực mà sự phức tạp đa diện không cách gì có thể lý giải đầy đủ được. Điều này có thể ứng với thơ trong khả năng hữu hạn về khối lượng ngôn từ, bởi thơ vốn rất ít lời và vỏ thơ thì mỏng lắm, chỉ chứa nổi những ấn tượng và xúc cảm. Do vậy, tôi nghĩ dấu ấn không thể thiếu trong thơ mình chính là độ "bắt sáng" hiện thực cụ thể. Chỉ có thế bài thơ mới được dẫn dắt...

TRĂNG

Không giống mặt trăng của trời tròn vạnh những đêm rằm cao vút, khác nào trái bóng bình thản bay tung lưới những cụm mây trắng muốt bồng bềnh.

Mặt trăng của tôi biết nói biết cười, biết e lệ và đôi khi nũng nịu, khi trăng buồn mưa cũng lâm ly, vui tràn ngập trái tim nóng bỏng.

Mặt trăng của trời cách mặt đất không đầy không đầy hai giây ánh sáng,mặt trăng của tôi cách mấy trăm cây số đường dài. Như người thực mơ lú lẩn, tôi chẳng biết mặt trăng nào gần mặt trăng nào xa.

Mặt trăng của trời, đường lên đó bằng tàu siêu tốc, chốc lát thôi sẽ gặp chị Hằng. Mặt trăng của tôi, phải dậy sớm thức khuya theo dõi cánh thời gian chậm chạp, ngót ngàn ngày đi chẳng được là bao, trước mặt con đường thăm thẳm.

Với mặt trăng của mình, tôi không có viễn vọng kính ngắm dò như người ta dùng lunakhôp năm xưa bốc đá đem về. Viên đá xe trăng đặt giữa lòng tay dẫu vui sướng triệu lần cũng không sánh nổi nụ hôn tôi đặt lên môi em nồng nàn hạnh phúc.

HOA ẤY MÀU GÌ

Hố bom năm xưa là vết thương của đất
người mẹ mất con là vết thương của ai?
người vợ mất chồng là vết thương gì nữa?

Mười năm
hai mươi năm
ai còn nhận ra vết thương của đất
màu xanh biết giấu nỗi đau
thời gian lặng lẽ

Mười năm
hai mươi năm
ai còn nhận ra vết thương của người
nỗi đau biết làm sao giấu
những giọt máu thấm sâu lòng đất
*

Chợt
đứa bé ôm chùm hoa tím ngắt
những cọng bông súng dài ngoằn
như quên như nhớ
-Hoa đâu nhiều thế em?
-Ở hố bom đầu xóm!
tôi nhìn đôi tay khẳng khiu em bé
em nhìn tôi lạ lùng
bông hoa màu buồn run rẩy

Bà mẹ mất con mười năm, hai mươi năm
có thứ hoa nào mọc nổi
người vợ mất chồng mười năm, hai mươi năm
có thứ hoa nào mọc nổi!
1991

SIMACAI

Bên vực sâu thăm thẳm bên núi cao chập chùng
đường gấp khúc gấp khúc
sóng lượn mùa biển động
xe chồm len, xe xuống dốc chòng chành

Simacai một góc biên cương heo hút
mấy chú ngựa trắng mang yên gặm cỏ
rừng samu xanh rì

Simacai không đi sao được
bạn trai H'Mong đang chờ bên chén rượu ngô ấm nồng
bạn gái Hà Nhì đang đợi bên bếp lửa thơm mùi cơm nếp
thứ nếp tình ngọt lịm
trồng trên ruộng bậc thang
ruộng bậc thang khác chi tấm thổ cẩm nhọc nhằn
hoa văn ngang dọc
chắt chiu từng giọt nước trời
người Simacai sớm hôm sẻ chia buồn vui cùng bản

Đêm uống rượu ngô vui quá đỗi
uống rượu ngô rồi ôm hôn bạn
bạn cười như trẻ được quà

Ai chưa biết Simacai, đường đi không khó
Simacai thật là...

4.6.2007
Simacai - Lào Cai

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2007

KÝ ỨC

Người hoạ sĩ già
tóc phủ đầy sương

Ký ức lên màu
ông vẽ về quê ông Cà Mau heo hút
rừng tràm xanh xanh, rừng tràm đen trũi
rừng đước minh mang tiếng gió
chiếc xuồng ba lá lắc lư
ngọn đèn dầu như giọt máu
con tôm màu da beo
con dã tràng không biết mình trước sóng
cọng rau muống tím dài trên cánh đồng nứt nẻ
chiếc cầu tre chênh vênh
đàn cò trắng trôi trong chiều huyễn hoặc

Ký ức rung lên
đường nét của ông có mắt
màu sắc của ông có lời

Và người xem tranh lặng lẽ...
1992

HẠT

1.
Có hạt tí ti mọc thành rừng đại thụ
rười rượi quanh năm bóng mát âm thầm
có hạt rất to thành dây leo loăng ngoăng vô tích sự
hoa trái chẳng ra gì, chỉ có gai đâm

2.
Rừng cứ thế xanh xanh cùng năm tháng
chim ngũ sắc bay về tiếng hót thanh cao
cây có nhớ thuở hạt tí ti dầm mình mưa nắng
thì ra người với thiên nhiên cũng chẳng khác nào

1991

ĐÓA TÂM LINH

Những bông sen hồng
những bông súng trắng
lắt lay giữa cánh đồng xưa
hai sương một nắng

nước đục nước trong
ai quên ai nhớ
ai lạ ai quen
con rạch ngoằn ngoèo như mạch máu
tiếng chim bìm bịp mơ hồ
trái chín trời cho còn hết?

Không phải một lần
nước mắt như mưa trong đêm chiến tranh
không phải một lần
mồ hôi như mưa tưới xanh khu vườn yên tĩnh
nâng niu chút mầm hy vọng
triệu đóa tâm linh

Từ hố bom ngày nào
viên gạch như còn rướm máu

gió cấp chín, cấp mười
miền núi bất thần lũ quét
đồng bằng Cửu Long lụt lội thành mùa

Đem nỗi khát khao vo từng hạt gạo
lọc trong ngần giọt nắng ban mai...

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

THƠ

Những câu thơ như dấu chấm trên đường
Mưa nắng trở về với đất