Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

LẶNG LẼ Ô TÀ SÓC

Chồng chất ngổn ngang là đá
những gộp đá trắng, những dồ đá đen
những gộp đá tròn, những dồ đá nhọn
như non bộ khổng lố
ta tìm về Ô Tà Sóc
Ố Tà Sóc thật gần

Từng bước bám leo chớn chở
ngoằn ngoèo, dốc thấp, dốc cao
dòng suối dẫn đường lên đỉnh
dòng suối như mạch máu của trời
lặng lẽ nuôi cây nuôi đất
nuôi người suốt cuộc trường chinh

Cớ sao ta chợt giật mình
vết đạn, vết bom còn dày trên đá
(vết thương của đá không lành)
mênh mang bồi hồi tiếng gió
các anh hy sinh đêm tải gạo chân đồi
các anh hy sinh đêm lần ra lấy nước
dòng suối lung linh, chưa kịp nhìn trăng
các anh hy sinh buổi hừng đông chạm súng
một vùng đá đỏ còn đây

Sống chết rủi may
ngọn đèn sáng hoài trong đêm sâu thảm
hòn than nóng hoài dưới những lớp tro
thương ngọn cỏ, giọt sương đằm thắm
ngày mai, chẳng chút tình cờ

Ngày mai đó
bây giờ ta bước
lối nào thuỏ xưa chen đá mà đi
hoa xanh, hoa vàng sao chẳng nhớ nổi tên
chim hồng hoàng bay vào cổ tích
đá vô tư cùng nắng cùng mưa
đá vẫn đá ngổn ngang ngày ấy

Ô Tà Sóc
như lần đầu mới thấy
ai ra đi và ai đã trở về
ai gặp lại bóng mình bên suối vắng
ánh trăng cùng cây cỏ lặng im

Đá vẫn đá
ai đã lần tới đỉnh
vào tận hang sâu tìm tuổi trẻ bạn bè
nghe đá nói những điều thầm kín
từ ngọn nguồn thắp sáng niềm tin...
24.2.2003
____________
.Ô Tà Sóc, tiếng Khmer có nghĩa là suối ông Sóc.
Căn cứ kháng chiến chống Mỹ của tình An Giang.

QUÊN NHỚ THẤT SƠN

Thuở ấy giờ đã xa
ngỡ mình khó hiểu
ánh mắt và trái tim thổn thức
đôi chân trần
bước trên đất và đá
chiếc mõ tre và cây chông tre
khẩu súng trường tự tạo
người Thất Sơn làm chuyện động trời
ầm ào như núi đổ

Thuở ấy Thất Sơn thiếu muối, thiếu cơm
thiếu từng viên đạn
đằng đẵng mấy mươi năm

Trăm con suối âm thầm chảy mãi
xe ngựa lúc lắc chở bao điều bí mật
cụm thốt nốt giữa đồng thành điểm xuất quân
trận phục kích dàn theo thế núi
kẻ thù không kịp trở tay...

*
Bây giờ thấy mình lạ lắm
như khách nhàn du rảo bước trong chiều
quên chiến trường xưa những ngày bom rải thảm
cả khu rừng vắng ngắt tiếng chim

Bây giờ thấy mình lạ lắm
sống lơ ngơ như lạc giữa yên bình
quên nhớ buồn vui lẫn lộn
bước cùng ai suốt cuộc hành trình

Thất Sơn nói gì trong gió núi tâm linh!
2003

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2007

NĂM ẤY, THÀNH PHỐ NÀY...

Lâu lắm rồi gặp lại
thành phố cao nguyên này
hoa và lạnh

ngơ ngẩn những đồi thông trơ gốc
thung lủng Tình Yêu dã quì thưa thớt
tiếng chim nghe chừng rất xa
ký ức bắt đầu từ đâu
nỗi buồn nỗi nhớ

Lặng trắng giương giăng
quanh hồ Than Thở
những cành lan thực ảo lung linh
mệt lả sắc màu
xe ngựa gõ trong chiều sai nhịp
lốc cốc lăn cổ tích Đồi Cù

*
Thành phố của mình mà mình lạ lẫm
mùi hương xưa đâu rồi
màu hoa xưa cũng nhạt
cây lá nilon như thằng vô lễ
xách mé cùng người
trả treo cùng đất

Có lẽ nào lòng ta hoang vắng
giữa chốn phồn hoa
giữa chộn rộn phấn son, sắc màu
và không thể...
1.1.1995
____________
Đà Lạt nổi tiếng về hoa,
nhưng những năm vô cùng khó khăn ấy,
người ta bày bán đủ thứ hoa nilon.

TRÁI TIM ANTEN

.Tặng Sóc Trăng, năm tháng gian nan.

Tám mươi lăm thước cao
ấy là lần đầu Sóc Trăng có được
tháp anten vươn trời

như loài cây tuyệt lạ
lực lưỡng, tinh khôi đứng giữa xuân này
lá cờ như bàn tay vẫy
bầu trời thêm vui

Anten -
người khổng lồ bám sâu lòng đất
mắt nhìn xa mênh mông
gặp những cánh đồng xa xanh
những xóm làng heo hút
những mái chùa cong cong
những phum giồng thao thức
xe bò lăn trong cát bay mù

Anten nghe bằng trái tim
trái tim anten bao điều vụt hiện
gió nao nao qua hồn

Từ đỉnh cao này
những buồn vui
ta ngắm
như soi gương chính mình

Tay vừa chạm phải trái tim
nghe nhịp đập rung rung lồng ngực...
1995

HOA

Bông giấy mà không phải giấy
Hoa lan mà chẳng phải lan
Cuộc đời vốn thường là vậy
Trái tim đãi cát tìm vàng
1994

ƯỚC GÌ

Em mơ mình thành một loài hoa
thật đẹp và thật thơm
không ai sánh kịp
nhưng sao em chẳng chịu khó gieo trồng?

1993

CÂY XANH VÀ MẶT ĐẤT

Vườn rợp xanh bóng mát
hoa thơm trái ngọt trĩu cành
gió rì rào làm cây nhí nhảnh
mặt đất lặng thinh

Giá như không có đất
cây sẽ nói lời gì
giá như không có gió
cây biết làm sao vui!

1992

CÀ MAU - THƠ

Cà Mau rất xa.
Cà Mau cũng rất gần. Thật gần.
Bởi khó vùng đất nào có được cái may mắn thành nơi hội tụ tình cảm của cả nước đậm đặc đến như vậy. Là người Việt Nam, ai cũng mong một lần được đặt chân đến Cà Mau, chạm tới bãi phù sa sóng sánh của chót mũi tận cùng đất nước. Lớp lớp phù sa có hồn ấy đã làm cho biết bao người xúc động. Trong này, bạt ngàn rừng tràm U Minh và
rừng đước cường tráng, ngăn đỡ những cơn bão dữ. Ngoài kia. biển cả trùng khơi, thách thức, gọi mời chí lớn.
Bạn bẻ về với Cà Mau cũng chính là về với lòng mình. Lạ lùng thay, để giãi bày tình cảm sâu xa, chừng như không còn cách nào khác, người ta phải trông cậy vào thơ. Tới đây, hầu như ai cũng có thể làm thơ, với từng con chữ lên men và vần điệu bâng khuâng khôn dứt. Vậy là có thể nói, Cà Mau đã trở thành một trong rất ít "câu lạc bộ thơ" lớn nhứt và hấp dẫn nhứt nước mình. Từ rẻo cao Tây Bắc, đến Móng Cái xa xôi, hay Lạng Sơn địa đầu thẳng cùng kinh tuyến. Khắp cùng đất nước...Ai tới đây cũng gieo lại đất này những mầm thơ nặng lòng thương nhớ. Đó là niềm vui và cũng là hạnh phúc lớn cho người Cà Mau. Chính nhờ vậy mà hôm nay chúng ta mới có được tập thơ khá nặng tay này. Chúng tôi gọi đây là một-tập-hợp-thơ, bởi trên hết, người Cà Mau vô cùng trân trọng và biết ơn tấm lòng của cả nước dành cho mũi đất thiêng liêng này.
Là những người thực hiện, chúng tôi không khỏi băn khoăn, bởi biết chắc sẽ còn để sót không ít những bài thơ hay của bạn bè ở khắp mọi miền viết về Cà Mau, nhứt là với những người ở xa không sao biết được đầy đủ thông tin để kịp gởi tác phẩm về. Hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được nhiều bài thơ nữa, để cho lần tái bản tập thơ càng dày hơn và hay hơn.

.Giời thiệu tập thơ "CÀ MAU - THƠ"

BỖNG LẠ

Cái thú vị mơ màng không biết được tên
bàn chân trượt dài, tần ozone tâm hồn thủng rách

có thể đó là người đàn ông đứng tuổi hay người đàn bà bặt thiệp
có thể đó là cô gái vui tính dễ nhìn
dẻo miệng rao mời của lạ
những người khách ngỡ mình bậc thầy khám phá

Trăm thứ tha hồ
mấy con vật của thế kỷ hai mươi sót lại
là nhím là trúc là chồn là nai là gấu
(cả bò rừng và cọp và voi)
chơi cho biết núi biết rừng
mặc sức lục lùng con rắn con rùa chim chóc
(có cả đại bàng chim sen, chim hạc)
ấy là khi phiêu bồng châu thổ mênh mông

Thưởng thức kỳ được những loài quí hiếm
tiền tài phấn thổ gió bay
ngày mai tuyệt chủng

Con vật con người
ai biết cần ai
ta nhìn bỗng lạ
không tiếng gió tiếng chim cũng sợ
người ơi, người ơi...

29.12.2006

THẤP THOÁNG HÀ TIÊN

NÚI ĐÁ DỰNG
Núi Đá Dựng hay người dựng đá
tạc thành bia truyền thuyết tình yêu
lưng chừng dốc vòm xanh xao xuyến
trống ngực làm nghiêng bóng núi chiều

MŨI NAI
Những con nai vẫn còn đâu đó
biển nhấp nhô và người nhấp nhô
đàn cá nhảy sóng đùa lấp lánh
mùa xụân vui chẳng chút mơ hồ

THẠCH ĐỘNG
Xanh xanh Thạch Động mây chiều thấp
chung thủy ngàn năm một khối tình
công chúa rưng rưng hồn trẻ mãi
như chừng ai mới gặp Thạch Sanh

NÚI LĂNG
Núi Lăng mây trắng bay chầm chậm
sâu thẳm thời gian ta lắng nghe
máu, nước mắt, mồ hôi thấm đất
rừng xanh cây lũ lượt chim về

HÒN PHỤ TỬ
Hình như biển chẳng bao giờ ngủ
từ cái đêm Phụ Tử thét gào
giọt nước mắt triệu năm hóa đá
đến bây giờ sóng vỗ còn đau

ĐỈNH TÔ CHÂU
Tô Châu vượt dốc leo từng bước
bí ẩn tìm trong mỗi tấm lòng
chẳng lạ mà sao như mới gặp
một Hà Tiên đau đáu chờ mong

ĐÔNG HỒ
Vầng trăng trái chín của trời
Đêm rằm rụng xuống tặng người Hà Tiên
Đông Hồ linh một cõi riêng
Trăng huyền diệu sáng khắp miền nhân gian

Tháng 5.2006

THIÊN NHIÊN

Tặng hoạ sĩ Phạm Hữu Trí

Như đứa trẻ đam mê kỳ lạ
quên mất thời gian tuổi tác
ông ham hố sắc màu cây rừng mây trời sông nước
lùa hết động vật hoang dã vào tranh
hồi hộp con người tận diệt những gì ông yêu quý

tiếng chim giả đánh lừa những con chim tội nghiệp
con chó giả rồi con mèo giả
sủa gâu gâu và cũng meo meo
người robot bắt tay chào mời và chớp mắt buồn vui
ông điên đầu
bị vây giữa điệp trùng trò ảo

Người hoạ sĩ đồng quê hồn hậu
ông ngủ cũng như thức
làm nhà hùng biện bất đắc dĩ
không ai cãi nổi với ông về một thiên nhiên đang giẫy chết

ông thương những con chim mang truyền thuyết dân gian
nhà ông là mini vườn nhỏ xíu
có con bìm bịp nửa đêm kêu nhớ đến nao lòng
con chim cú lom lom tròn mắt
con chim heo khuôn mặt trầm ngâm
con nhồng lông bông chơi trò hay hót
và con sáo đen tuyền luôn gọi ông "có khách"
cái "gia đình" ngộ nghĩnh này
con ăn cá, com ăn thịt và con thì...ăn chuối
đói là chúng kêu inh ỏi
ông lại đi ra chợ kiếm tìm

Cực mà vui
chắc chắn những con chim này không lo ai săn bắn
vậy là ông bị kẹt giữa chim và mình
ai tự do và ai nô lệ
chuyện nhỏ, màng chi
ông cầu mong con người học được cách của những con chim
góp tiếng vui cùng ngàn cây xanh lá...

30.12.2006

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2007

NGỤ NGÔN

Có các cháu học tiểu học ở đâu đó trả chữ cho thấy
nghe lâu rồi, cứ ngỡ chuyện vu vơ

lại các cháu lớp bốn, lớp năm ven rừng U Minh
môi mấp máy không lần ra con chữ
ống kính truyền hình áp sát
ánh mắt thao láo ngượng ngùng
những sợi lông tơ trên má trẻ con run run tội nghiệp

lại học sinh trung học ở cuối sông Hương, ở ven sông Tiền, sông Hậu
nhìn mặt chữ như người không quen

Thế kỷ 21
những ngày cuối năm
phát hiện rò rỉ khổng lồ
lại có đến mấy trăm học sinh tiểu học, trung học ở vùng núi Phú Yên*
lạc trong bùng nhùng rừng chữ

còn
và còn những nơi nào trên mảnh đất hát đồng ca
những vùng quê cách xa, thật xa sao giống nhau đến thế
ai dám bảo đó là bức ký họa nông thôn
nhưng ác nỗi
cái chuyện lạ Việt Nam này
lại thật

Sự thật không thể cười, cũng không dễ hiểu
dãi nắng dầm mưa
phải năm sáu năm trời sớm trưa cắp sách
mót từng chữ như mót từng hột lúa
vậy mà những dòng chữ quỉ quái kia biến mất trong đầu
để đám trẻ lao nhao bước dò mờ mịt

Rõ ràng là không chính xác
dẫu ống kính ghi hình quay chậm
cận cảnh từng em, từng em
những đứa con gái con trai hồn nhiên quá đỗi

Có lẽ bản tin truyền hình đã sai sự thật
bởi lỗi này đâu phải tự các em...

26.12.2006

__________
*Theo Phòng Giáo dục huyện Sông Hinh(Phú Yên),
ở bậc tiểu học và THCS, toàn huyện có 175 học sinh
không biết đọc và 167 học sinh không biết viết.
(Báo Người lao dộng. 22.12.2006)

VỚI HÀ TIÊN

Thuở ấy Hà Tiên xa lắm
đêm mơ màng gặp núi trong sương
đâu Kim Dự lan đào, đâu Bình San điệp thúy
trăng Đông Hồ bẽn lẽn soi gương

thuở ấy Hà Tiên mơ mộng lắm
đảo nhấp nhô như chuổi ngọc của trời
xao xác gió thổi từ miền hoang tích
Thập-vịnh-thơ đẹp đến bồi hồi

thuở ấy Hà Tiên lung linh huyền thoại
cánh cò trắng phau chiều Đá Dựng ngập ngừng
đêm Phụ Tử tiếng ai gào trên biển
cõi thực hư thao thức chập chùng...

*
Ôi hôm nay
Hà Tiên gần đấn vậy
ai hát cùng ai khúc hò hẹn nhớ thương
một chút cát nâu, một cánh bằng lăng tím
ánh mắt, tiếng cười đâu đó vấn vương

Hà Tiên ơi, Hà Tiên kỳ tuyệt lắm
lên đỉnh Tô Châu nghe gió nói bao điều
tắm sóng Mũi Nai mặt trời khoe sắc biển
chuông Phù Dung ngân thẳm trong chiều

*
Xanh xanh đất, xanh đời bất tận
ai về Hà Tiên, ai giã biệt Hà Tiên
hạt gieo xuống đã thấy mầm xuân mới
trái tim phập phồng đâu dễ gì quên!

3.2006

NGUỒN SÁNG TRÊN ĐẤT ANGKOR

Kính tặng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo
tỉnh Kiên Giang


1.
Gập ghềnh như con tàu vượt sóng
Kampot* mù mù
rừng thốt nốt xơ rơ
đàn bò trắng ốm tong lang thang gặm cỏ
nắng nhuốm màu sa mạc
núi xa xanh chập chùng

Đoàn thầy thuốc Việt Nam
hồn nhiên, bình thản
chẳng phải lần đầu
họ nhớ từng đỉnh chùa vàng cao vút
ngã rẽ, dốc cầu chênh vênh
heo hút quanh co con đường lầy lội
những sóc nghèo chẳng tìm ra ánh điện
ở đó bao người Khmer bị mù
quanh năm không biết mặt trời
chìm sâu tuyệt vọng

2.
Đoàn thầy thuốc Việt Nam
thiên sứ đời thường
những cô gái, chàng trai áo xanh áo trắng

ai bảo tình thương phải dừng bên này biên giới
khi nỗi đau đồng loại nhói tim mình
khi nỗi đau từng giây ngóng đợi

định mệnh lung linh
ánh sáng là gì
người mù không sao biết cách trả lời
rạo rực và hy vọng
hy vọng
quên ăn quên ngủ

Đoàn thầy thuốc Việt Nam
tấm lòng thơm thảo
từng bước nhẹ đi trên đất Phật
bàn tay cổ tích diệu kỳ

3.
Lần đầu tiên
lắm người phập phồng,lo sợ
lắm người phân vân, lẽn về
mặc nỗi mịt mờ đeo đẵng

Nhưng họ biết đâu
chính cái lần đầu tiên ấy
trăm người bỗng dưng chói mắt
trới đất vui gió thổi như cười
gió băng qua sông qua suối
gió băng qua cánh đồng diệu vợi
băng qua bao nỗi hoài nghi
người nghèo nghe hết

như từ cõi tiên
người con gái Khmer mờ mờ bật khóc
nhìn bông hoa quanh nhà ngộ nghỉnh sắc màu
nhìn đắm say bao gương mặt thân quen

bà mẹ Khmer đôi môi mấp máy
ngỡ mình bước ra từ giấc mộng nào
nhìn mãi, nhìn mãi
những người thầy thuốc Việt Nam
không biết lời nào dể hỏi điều bí ẩn
cầu Phật trời phước đức ban ơn...

10.12.2006


__________
* Tỉnh Kiên Giang kết nghĩa với tỉnh Kampot- Campuchia.

.Sau 5 đợt mổ mắt, đến ngày 3.12.2006, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo
tỉnh Kiên Giang đã tổ chức xóa mù được 1032 người Khmer tỉnh Kampot.
Chương trình hợp tác từ thiện này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.

CHÙM PHONG LAN CÒN LẠI TRONG RỪNG CHÁY

Trở lại U Minh
tôi như người đến chậm
khi về đây rừng đã cháy hết rồi
tiếng gió đi qua như bài hát không lời
trôi tới chân trời xa hút

Rừng
chỉ còn lại màu xanh một chút
một chút tràm lốm đốm giữa minh mông
có thể nào tin được hay không
màu xanh ấy cũng bao lần lửa cháy

Mà sự sống
như một điều lạ vậy
như một điều chưa ai hiểu ra
bất chợt lạ lùng
trắng muốt một bông hoa
tôi bắt gặp trong khu rừng
sót lại
cánh hoa mỏng manh như chừng e ngại
hoa phong lan
lòng cứ sững sờ

Đứng giữa hoang sơ
thật có ai ngờ
phong lan sống cho rừng xanh đến thế
phong lan sống cho rừng bỗng trẻ
giục chân trời náo nức sinh sôi

Trở lại với rừng
bao nỗi buồn vui
dẫu mưa nắng
hề chi
tôi vẫn tới

Đêm thao thức
rừng ơi xin hãy đợi
ngày mặt trời chim hót tự hừng đông

1983

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2007

HÀ TIÊN ƠI, HẠC VỀ

Đâu phải bay từ cổ tích
Hà Tiên ơi, hạc đã về rồi!
nôn nao nhớ màu sương đỉnh núi
nôn nao nhớ màu xanh cánh đồng

hạc nghiêng cánh mặt trời lên mộng mị
sen cuối đầm bỡ ngỡ khúc tương giao

Hà Tiên nói gì với sóng lao xao
bỗng gặp hạc
càng thương sao truyền thuyết
máu lửa mấy thời ly biệt
nhớ khuya xưa vẳng trống Giang Thành...

Đã thấy rồi ngọc sáng long lanh
từ viên sỏi quanh Mũi Nai, Thạch Động
từ hạt cát bên Đông Hồ, Phụ Tử...


Hạc đã về
bay lả trong trăng
vỗ cánh nhọc nhằn qua gió bão trăm năm
như phép lạ, bây giờ mới tới

Bên biển hẹn
bâng khuâng thức đợi
Hà Tiên ơi
xứ hạc cuối chân trời...

2.2006

HÒN ĐÁ BẠC*

Đã qua rồi những đêm mưa tầm tả
biển Đá Bạc trầm tư
vầng trăng nghiêng bồi hồi trên sóng
trùng khơi le lói ánh đèn
nỗi mong đợi bến bờ huyền thoại
khúc giao mùa hoa lá mong manh

Đá Bạc thật gần, Đá Bạc xa xanh
bí ẩn tình yêu giữa cuộc đời trần trụi
đêm ngắn nhứt và đêm dài vô tận
hai mươi năm gió vẫn thơm hoài
những hòn đá chất chồng ngả say như bè bạn
những hòn đá sù sì thấu hiểu lòng nhau

tiếng bìm bịp mơ hồ khuya khoắc
chim lẻ loi đâu trằn trọc kêu buồn
ai giải mã chập chùng con sóng
gặp điều gì thăm thẳm trong tim...

*

Hòn Đá Bạc, về theo ngày tháng cũ
hai mươi năm mưa nắng ngậm ngùi
cái đêm ấy trong đời đẹp nhứt
đá nhớ dùm, dẫu một lần thôi.

22.12.2006

*ven biển Cà Mau, cách bờ khoảng 400m.

TÔI

Mê mải sóng trùng khơi trắng xoá
cầm san hô ngỡ đãi ra vàng
năm tháng lăng xăng mệt nhoài bắt bóng
khúc ru dài huyễn hoặc tình tang

Là tín đồ của trường thiên nằm mộng
sợ máy tính lấy đi cảm hứng muộn màng
con chữ ngập ngừng trước mặt đời sáng tối
chợt rùng mình lồng ngục giá băng

Bạc tóc, tôi tìm tôi trên biển
bão tố mênh mang trôi dạt tận phương nào
long nhong bước gần xa bờ bến
mây dặt dìu thổi phía lòng đau...

13.11.2006

NGUYÊN

Núi Sập ngày ấy
trẻ đến không ngờ
đâu chỉ nằng tuổi em mùa xuân vừa tới
hình như đá cũng xôn xao
nên đá nhọc nhằn biết đợi
và hoa trinh nữ tím hoài

Núi Sập ngày ấy mù bụi
người như lầm lũi trong sương
lặng lẽ thời gian vô định

Tôi - con chim lạ trước bầu trời
không hay mình hóa đá
không hay mình chẳng đủ giác quan
đánh mất một điều kỳ diệu
hư ảo em, hư ảo thật rồi!

Lênh đênh biển đời
muôn trùng sóng gió
chiêm bao kiếm tìm vô vọng

Hay đâu
núi Sập vẫn trẻ trung nồng nàn ký ức
ba mươi năm mưa nắng ươm mầm
em bỗng hiện như chuyện tình xưa lắm
tôi chới với và tôi nghẹt thở
hạnh phúc ơi, không lời trăng trối
cầu mong thời tiết bình yên
cầu mong đừng có những đêm mộng mị
sâu thẳm cõi tình

Dẫu chẳng khắc lời nào trên đá
mà sao đá nhớ nao lòng...

Sợi tóc nào thao thức cùng đêm trắng
em thất lạc tôi hay tôi mất em rồi
biết làm sao cứu nổi!

THỜI GIAN

Thời gian như trái chín
ba mươi năm
một thoáng chạm đầu
có tiếng ai kêu ngoài ngõ
hồn nhiên và trẻ trung

Ngọn gió đêm ngày day dứt
biển một đời biết mấy nỗi đau
cuồn cuộn vô chừng trắng xoá
sóng mài hạt cát trắng phau

Ba mươi năm
chiếc lá thời gian mang phép lạ
rơi vào thung lũng lòng ta
hương hoa ngỡ ngàng mưa nắng

Trái đất đang nóng dần lên
nước mình lắm sông lắm suối
đâu phải nghiêng đồng

Ta đi
từng ngày nhẩm đếm
dẫu trong cơm còn lẫn sạn quá nhiều
ba mươi năm
xe lăn đường sỏi
ba mươi năm
đêm nhìn sao gió thổi qua hồn
không bước lạc đường nhân nghĩa

Bình tâm nghe nhịp trái tim
mở mắt bạm bè tám hướng
khu rừng xanh ngút sau lưng

Vầng trăng treo oằn ngọn tre nhẫn nại
tiếng gà bồn chồn gáy sớm trong sương...

ĐỘC THOẠI VỚI HOA

Xa rất xa
là hoa
biết mấy tầm tay với

Em vô tư
chẳng hé môi cười
lặng lẽ như hoa quỳnh tinh khiết
dữ dội trong đêm
bay thơm tự góc vườn nào ta nhìn không ra
em là chuổi ngọc lạ kỳ thực ảo
hương sắc lặng thinh

Xa rất xa
mà trong tầm tay với
những bông hoa bí ẩn vô cùng

ta điên lên
có phải vì yêu
những bông hoa diễu cợt

Em sinh ra từ đất
ta cũng sinh ra từ đất
đất mẹ Âu Cơ
sao em là bông hoa
mà ta chẳng bông hoa
bà mẹ Âu Cơ kiệt lực...

Như thằng điên
chẳng biết ta có yêu em không nữa
ham hố những ngôi sao từ mái tóc ít chau chuốt của em

Khát
cháy khát
hỡi anh chị trên rừng dưới biển
tiếng vọng não lòng
ngọn gió nhức xương

quằn quại yêu em
mà ta bất lực
bất lực như thuở hồng hoang
chẳng biết mặt bông hoa

thành dã thú của thời hiện đại
ta giết em không một giọt máu nào
bởi em là loài hoa quyến rũ
những đàn ong bão táp bay về

Còn ta
với bốn bề sa mạc
rùng mình qua giấc chiêm bao...

XIN LỖI

1.
Xin lỗi
chúng tôi xin lỗi...
hơn ba mươi năm rồi
xứ sở mình vẫn còn nghèo quá
cái chữ quắt queo, điện đóm chập chờn
ngược xuôi nước ròng nước lớn

xin lỗi
chúng tôi xin lỗi...
hóng hách, quan liêu bỡn cợt
vô cảm rợn người như đại dịch
tham nhũng khác chi thú dữ sút chuồng

xin lỗi
chúng tôi xin lỗi...
điệp khúc buồn thêm đau vết thương

Đâu rồi đứa trẻ lên ba lên bốn
những đứa trẻ của ngày xưa
chưa biết quanh co lừa dối...

2.
Thời tiết thất thường
trời nhiều mây
có gió có mưa có nắng
tầm nhìn xa phập phồng
biển động
thiên tai ai biết sao lường

Thương cánh đồng chạnh lòng lãng mạn
lặng lẽ xanh theo cách của riêng mình...

18.6.2006

PHÚ QUỐC

Chập chùng sóng, chập chùng đảo
cát trắng cát vàng mút mắt
đại bàng nghiêng cánh ban mai
ngửa mặt nhìn cây
rừng nguyên sinh lộng lẫy

Phú Quốc như Sing*
giấc mơ ám ảnh

Dọc ngang con đường mới mở
rát mặt bụi mù
lủng lẳng dự án, trái ngọt trái chua

Kiếm tìm đào bới
gốc chò, gốc trai trăm năm
thành bàn nhậu mượt mà
khách ta khách tây
nghiêng ly chếnh choáng

Kỳ thú Bãi Khem, lạ lùng Cửa Cạn
những con suối vòng vèo trắng xoá
bồng bềnh câu cá dưới trăng
chợt buồn
chợt nhớ...

Bao giờ Phú Quốc như Sing
từng bước nhọc nhằn leo núi
triền đồi chang chang
những xóm nghèo chơ vơ ven biền
mái ngói xa xa
qua vườn tiêu ngậm ngùi câu hát cũ

Đi tìm
đỉnh núi như chóp nón khổng lồ
gió nhiều quá, mây chiều cuồn cuộn
sóng vỗ bốn bề

Bất ngờ, những cây tùng cổ xưa hiện ra
những cây tùng lả ngọn
lặng lẽ xanh, ai biết tự khi nào
bí ẩn lung linh từ đất

Phú Quốc
là Sing, nhưng đâu phải là Sing
có thể hình dung con đường vượt dốc...

17.3.2007

*so sánh với Singapor

NGỒI XE CHỢT NHỚ

Như chiếc xuồng nho nhỏ xinh xinh
vòng vèo sông rạch
những chiếc xe lôi con con thanh lịch
làm bạn sớm khuya ngõ tắt đường ngang
tần tảo loanh quanh thành phố

Lúc lắc lúc la chầm chậm trên đường
tóc trằng mẹ già phơ phất
cô gái miền quê gương mặt sáng trưng
ngồi xe chợt nhớ đồng nhớ ruộng
nhớ đám lục bình, nhớ bông điên điển
giõ cá linh mùa nước nổi nao buồn

*
Chừng như Tết năm nào cũng sớm
người trồng hoa cực nhọc quanh năm
mới đó mùa xuân giờ lại xuân về

nào mai nào hồng nào cúc
màu xanh màu đỏ màu vàng
mồ hôi nụ cười trộn lẫn
xe chạy rung rinh trong gió như đùa

Nghiêng bóng dọc chiều sông Hậu
ngược xuôi du khách dập dìu
người Nhật, người Nga, người Mỹ
xe chở niềm vui làm bạn bốn phương

*
Chiếc xe lôi nho nhỏ xinh xinh
mang nét đẹp trăm năm thành phố
ai tới phương Nam một lần chẳng nhớ
miền Tây ơi, quyến rủ lạ lùng...

Cần Thơ, 21.3.2007

ĐÀN ĐÁ

Những thanh đá
sần sùi
vùi sâu
thất lạc
âm vang bâng khuâng
từ hang động ngàn xưa

Đá nói cùng người
mà lặng người
ngơ ngác
thăm thẳm thời gian
trời đất gió mưa...

19.3.2007

CÁNH ĐỒNG

1.
Nhiều người đã tới, nhiều người ngần ngại
cánh đồng nhiễm mặn, váng phèn
lúa không trỗ nổi bông, tôm nuôi vụ may vụ rủi
chằng chịt ô xéo ô vuông
cánh đồng như vô thừa nhận
đất đai lặng thinh chịu đựng
ký ức xa xôi

2.
Có lẽ nào
bên sông Cửu Long, sông Đồng Nai, sông Hương, sông Hồng
tìm đâu cánh đồng bất tận
để gặp đàn vịt dập dềnh rày đây mai đó
gặp người đàn ông đàn bà hồn vía bỏ quên
con gái con trai còi cọc
mớ nấm trái mùa

Đi tìm
cánh đồng ở tận đâu đâu
gió lang thang rưng rưng nắng vàng
cỏ dại hoang sơ
mong manh mùa màng ngóng đợi

Đi tìm
như nhớ như quên
cánh đồng tuổi thơ biến mất
bóng xế chợ quê
người đàn bà ngồi bán mấy con vịt cúm
vận may thật buồn
có phải lối vào cánh đồng có tên bất tận
chính từ nỗi đau đem bán chiều nay
nỗi đau cười cợt rao lừa

3.
Sớm hôm lặn lội
nhiều người và rất nhiều người
gần xa thấp thoáng
rác rưởi dòng đời chảy xiết
định mệnh đủ mùi

Cánh đồng ngay chính lòng mình
cánh đồng là cánh đồng người...

26.3.2007

BIỂN VÀ MUỐI

Biển diệu kỳ như huyền thoại tình yêu
Nén hạnh phúc đắng cay thành muối trắng
Trong lồng ngực trái tim rất nặng
Nên em ơi, còn phải nói chi nhiều!

TRÁI SẦU RIÊNG

Anh là trái sầu riêng méo mó
Gai nhọn lắm, em đừng sờ vào
Còn mùi vị bên trong lớp vỏ
Em không ưa, anh chẳng biết làm sao!

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2007

CẤM XE LÔI, ĐỂ LÀM GÌ?

Việc cấm xe lôi ở thành phố Cần Thơ bấy lâu nay ngỡ là chuyện đã bỏ lửng, nếu không nói bỏ luôn. Nhưng hoàn toàn không phải như nhiều người mong đợi. Lệnh cấm ấy vẫn không hề xuy xuyển. Theo tin báo chí thì cái lộ trình cấm tiệt đó đã tới rồi. Từ ngày 1-7 này cấm hẳn xe lôi (và xe ba gác máy) hoạt động trên các tuyến quốc lộ: 1A, 91, 80 thuộc địa phận Cần Thơ. Đây chỉ là bước đệm ngắn để tiến tới cấm hoàn toàn. Là người hay đi bằng phương tiện dễ thương và rẻ tiền này, tôi thật sự không hiểu nổi, không thể biện lý cho mình vì lý do chánh đáng nào mà chánh quyền Cần Thơ cấm quyết liệt như vậy ?
Lập lại những tiện ích và ý nghĩa văn hóa của nó lúc này e sẽ dài dòng. Bởi từ người dân quê, lao động phố phường hay du khách qua lại thành phố mang danh Tây đô này, đến dư luận của các loại báo nói, báo hình và báo viết, đã lên tiếng quá nhiều, phản ảnh quá nhiều tâm tư của người dân. Người hành nghề xe lôi, người đi xe lôi, người bận tâm đến chút văn hoá của loại hình giao thông này, có một đòi hỏi rất đơn giản: cấm là việc của chánh quyền trong quản lý trật tự công cộng và mỹ quan thành phố, nhưng lý lẽ của việc cấm đoán ấy xem ra không mấy thuyết phục. Tại sao chánh quyền Cần Thơ không tổ chức được một số cuộc đối thoại với người dân và báo giới, để ít ra để đôi bên cùng nghe trực tiếp được quan điểm và nguyện vọng của nhau. Lẽ nào, dư luận thì mặc dư luận, còn cấm thì ... vẫn cứ cấm ?
Thiết nghĩ, ngay những người ban hành lịnh cấm xe lôi lưu thông trong thành phố, tôi tin chắc cũng xuất phát từ mong muốn sao cho trật tự giao thông được tốt hơn, vẻ mỹ quan của Tây đô ngày càng hấp dẫn hơn, nhưng tiếc là sự suy nghĩ ấy chưa phù hợp với thực tế đời sống và cách nghĩ của nhiều người, ở chừng mức nào đó còn đi ngược lại chánh sách xóa đói giảm nghèo của nhà nước ta. Nếu chưa giúp được gì nhiều cho những người nghèo khó thì cũng đừng dồn họ vào tình thế bí hơn. Đã có lộ trình cấm triệt để xe lôi, sao chúng ta không có lộ trình hợp lòng dân, hợp với cách ứng xử văn hóa hơn, đó là thúc đẩy việc cải tiến, qui hoạch lại xe lôi, sao cho nó trật tự hơn, đẹp mắt hơn và an toàn hơn, góp phần đáng kể cho phương tiện đi lại của nhiều người và du khách?

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

BẤT NGỜ, ĐIỆN BIÊN

1.
Chiều nay rừng Mường Phăng lất phất lá reo
quế lan hương thoang thoảng
mòn lẵn lối vào ngôi nhà tranh nhỏ xíu
nơi tướng Giáp ngày xưa Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên

chiếc giường ngủ bằng tre mong manh còn đây
chiếc bàn viết bằng mây mòn cũ còn đây
năm mươi năm mới vừa qua đó
hơi ấm lòng mình mang phép lạ
ngậm ngùi trước những niềm vui

2.
Cánh đồng Mường Thanh biếc xanh màu ngô, màu rau và màu vàng lúa chín
những cô gái Thái rực rỡ sắc màu dắt díu nhau đi trong mùa hoa ban đang nở
không chợt thấy chiếc hầm Đờ Cát xám ngắt đằng kia
và xác những khẩu pháo, những xe bọc thép rỉ sét rải rác đó đây
đố ai hình dung chính cánh đồng này
đã từng làm nên cái tên Điện Biên huyền thoại

3.
Trùng trùng những ngôi mộ nghĩa trang
dằng dặc màu buồn
không một dòng tên
những ngôi mộ mang tên chung: Chiến sĩ Điện Biên
như tên Tổ quốc!

Lít chít ánh nhang rung rung bùng đỏ
nghi ngút không tan làn khói lam mờ
tiếng các anh rì rầm trong gió...

3.6.2007

DÒNG SÔNG ÁNH SÁNG

Sông Đà trườn mình qua điệp trùng rừng núi
cuồn cuộn đổ xuống từ trời
rát da mùa hạ
xe tải xe cẩu xe búa ngược xuôi mù bụi
lả chả mồ hôi

Sông Đà hung thần ngạo mạn
ấm ấm tung bờm vượt ngàn thác dữ
thách đố Sơn La nghiệt ngã
cơ man đá dị dạng từ lòng sông bốc lên nghệ thuật sắp đặt khổng lồ
hun hút móng sâu
(cái móng lòng người biết đo làm sao?)
những mẻ bêtông đầu tiên làm quen thuỷ thần

Mềm mại có gì bằng nước
mạnh mẽ có gì hơn nước
nước dạy con người từ xửa từ xưa

Sông Đà thành bạn
tặng Sơn La dòng ánh sáng diệu kỳ...

2.6.2007

CẤM XE LÔI, ĐỂ LÀM GÌ?

Việc cấm xe lôi ở thành phố Cần Thơ bấy lâu nay ngỡ là chuyện đã bỏ lửng, nếu không nói bỏ luôn. Nhưng hoàn toàn không phải như nhiều người mong đợi. Lệnh cấm ấy vẫn không hề xuy xuyển. Theo tin báo chí thì cái lộ trình cấm tiệt đó đã tới rồi. Từ ngày 1-7 này cấm hẳn xe lôi (và xe ba gác máy) hoạt động trên các tuyến quốc lộ: 1A, 91, 80 thuộc địa phận Cần Thơ. Đây chỉ là bước đệm ngắn để tiến tới cấm hoàn toàn. Là người hay đi bằng phương tiện dễ thương và rẻ tiền này, tôi thật sự không hiểu nổi, không thể biện lý cho mình vì lý do chánh đáng nào mà chánh quyền Cần Thơ cấm quyết liệt như vậy ?
Lập lại những tiện ích và ý nghĩa văn hóa của nó lúc này e sẽ dài dòng. Bởi từ người dân quê, lao động phố phường hay du khách qua lại thành phố mang danh Tây đô này, đến dư luận của các loại báo nói, báo hình và báo viết, đã lên tiếng quá nhiều, phản ảnh quá nhiều tâm tư của người dân. Người hành nghề xe lôi, người đi xe lôi, người bận tâm đến chút văn hoá của loại hình giao thông này, có một đòi hỏi rất đơn giản: cấm là việc của chánh quyền trong quản lý trật tự công cộng và mỹ quan thành phố, nhưng lý lẽ của việc cấm đoán ấy xem ra không mấy thuyết phục. Tại sao chánh quyền Cần Thơ không tổ chức được một số cuộc đối thoại với người dân và báo giới, để ít ra để đôi bên cùng nghe trực tiếp được quan điểm và nguyện vọng của nhau. Lẽ nào, dư luận thì mặc dư luận, còn cấm thì ... vẫn cứ cấm ?
Thiết nghĩ, ngay những người ban hành lịnh cấm xe lôi lưu thông trong thành phố, tôi tin chắc cũng xuất phát từ mong muốn sao cho trật tự giao thông được tốt hơn, vẻ mỹ quan của Tây đô ngày càng hấp dẫn hơn, nhưng tiếc là sự suy nghĩ ấy chưa phù hợp với thực tế đời sống và cách nghĩ của nhiều người, ở chừng mức nào đó còn đi ngược lại chánh sách xóa đói giảm nghèo của nhà nước ta. Nếu chưa giúp được gì nhiều cho những người nghèo khó thì cũng đừng dồn họ vào tình thế bí hơn. Đã có lộ trình cấm triệt để xe lôi, sao chúng ta không có lộ trình hợp lòng dân, hợp với cách ứng xử văn hóa hơn, đó là thúc đẩy việc cải tiến, qui hoạch lại xe lôi, sao cho nó trật tự hơn, đẹp mắt hơn và an toàn hơn, góp phần đáng kể cho phương tiện đi lại của nhiều người và du khách?

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2007

LỐI NHỎ, HẺM NHỎ, GÓC NHÀ QUEN

Dọc theo phố xá Cần Thơ, bạn sẽ thấy vô số những con phố nhỏ, những con hẻm nhỏ… Thể nào cũng có một lối thân quen, dẫn đến một góc nhà ấm cúng, an lành nào đó… Những lúc có giây phút rảnh rỗi hiếm hoi giữa vô vàn công việc rối rắm, chúng tôi lại tạt qua căn nhà có cây xoài xanh mát, có những giò lan rừng treo hờ hững, những cây hoàng lan ngan ngát, những bụi hoa mua, hoa sim hoang dại… mà chủ nhân đã tha về từ một vùng đất nào đó trên đất nước Việt Nam nầy. Chúng tôi thường đùa vui rằng, chủ nhân ngôi nhà này dường như là người yêu cái đẹp, tôn thờ cái đẹp đến mức cầu toàn, thể hiện qua nghệ thuật sắp đặt hỗn độn một cách cực kỳ ngăn nắp trong ngôi nhà nầy.

Ừ mà cũng phải ! Bởi ông vốn là người quen sắp đặt ngôn từ bấy lâu nay. Biết vậy nên chúng tôi bày biện ra cái blog nầy biếu tặng chủ nhân. Biết đâu, chỉ một vài ngày nữa thôi, chúng ta lại thấy chủ nhân chính hiệu của blog trình làng một nghệ thuật sắp đặt thật lạ mà cũng thật quen như chính góc nhà của ông vậy. Chúng tôi vốn đã tìm thấy những giây phút an nhiên, tĩnh tại trong ngôi nhà của ông, biết đâu ngày sau lạc bước vào blog này lại y thinh cảm xúc ấy. Mong thay !
Hồng Hạnh, Trương Công Khả xin tặng lại chủ nhân blog nầy.